Bệnh dại vào mùa

Các ca bị chó mèo cắn tăng cao trong dịp Tết vừa qua trong khi mùa nóng - mùa bệnh dại phát triển mạnh sắp đến

Ngồi chờ đến lượt tiêm vắc-xin dại, anh T.T.N (ngụ TP HCM) cho biết đây là lần thứ 3 anh đến tiêm mũi nhắc vắc-xin phòng dại. "Tôi đến nhà người quen chơi nhưng khi đứng ngoài cổng gọi thì bị chó nhà hàng xóm sát bên lao ra cắn. Vết cắn bị chảy máu, lo lắng nên tôi đến bệnh viện tiêm ngừa để tránh nguy cơ nhiễm bệnh dại. Bác sĩ tư vấn tôi phải tiêm 5 liều. Hôm nay, tôi tiêm liều nhắc thứ 3" - anh N. cho biết.

Hàng ngàn người phải tiêm ngừa dại

Anh N. chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM) tiêm ngừa vắc-xin dại thời gian qua. Bác sĩ Bùi Hoàng Trương, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết trong dịp Tết vừa qua, bệnh viện tiếp nhận gần 1.900 ca chích ngừa dại, trong đó có 1.365 ca tiêm nhắc và 496 ca tiêm mới. "Đây là số người đến tiêm vì chó, mèo cắn, chủ yếu khi đi chúc Tết. Ngoài ra, còn có một số trường hợp đến tiêm phòng dại do các loài động vật khác cắn như chuột, khỉ…" - bác sĩ Trương thông tin.

Không chỉ tại khu vực TP HCM mà tại Đồng Nai, số người đến tiêm vắc-xin ngừa dại do chó cắn trong dịp Tết Nguyên đán cũng tăng vọt so với ngày thường. Bác sĩ Nguyễn Đình Trung, Phòng Tiêm chủng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai, cho biết trong 3 ngày Tết (mùng 1 đến mùng 3), đơn vị tiếp nhận 250 người. Riêng trong tháng 1-2023, có 980 người đến tiêm ngừa vắc-xin dại.

Theo bác sĩ Trung, trong dịp Tết, tỉ lệ người đến tiêm phòng dại cao hơn so với ngày thường. Nguyên nhân do nhiều người đến thăm người thân bị chó cắn và các cơ sở tiêm chủng nghỉ Tết trong khi CDC Đồng Nai vẫn làm việc.

Bệnh dại vào mùa - Ảnh 1.

Người bệnh thăm khám và chích ngừa vắc-xin dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới

 

Chưa có thuốc điều trị

Bác sĩ Nguyễn Đình Trung cho biết dại là bệnh nhiễm virus cấp tính trên hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt của vật chủ bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều tử vong.

Bác sĩ Trung khuyến cáo để phòng ngừa dại, bên cạnh không để động vật cắn, cào thì cần tiêm vắc-xin ngừa dại nếu không may bị cắn. Trước thắc mắc tiêm vắc-xin có ảnh hưởng đến sức khỏe, bác sĩ Trung khẳng định hiện nay vắc-xin ngừa dại thế hệ mới hoàn toàn không có tác dụng phụ lên hệ thần kinh.

"Tiêm phòng dại là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm. Sau khi bị chó, mèo cắn, cần theo dõi con chó, mèo đó, nếu nó sống bình thường thì cần tiêm 3 mũi vắc-xin; còn nếu chó mèo bất thường (chết, bỏ ăn, bỏ đi…) thì tiêm đủ 5 mũi" - bác sĩ Trung nhấn mạnh.

Bác sĩ Bùi Hoàng Trương cho biết khi tiêm phòng dại có 2 loại, thứ nhất là tiêm vắc-xin, tùy theo phác đồ có từ 3-5 lần. Thứ hai là tiêm huyết thanh kháng dại khi vết thương sâu, nặng, chảy máu nhiều kèm tình trạng con vật nghi ngờ có triệu chứng dại hoặc không theo dõi được con vật. "Lúc này, bệnh nhân có nguy cơ dại cao. Đối với phản ứng sau tiêm thường gặp ở trường hợp tiêm huyết thanh kháng dại như ngứa, viêm da dị ứng… Các phản ứng này thường diễn tiến trong khoảng 10 ngày" - bác sĩ Trương nói.

Bác sĩ Trương cảnh báo thời gian ủ bệnh dại từ 3 đến hơn 3 tháng, thậm chí có trường hợp kéo dài 20 năm. Các giai đoạn của bệnh dại gồm: Giai đoạn tiền triệu chứng từ 1-4 ngày với biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập. Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên. Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và cuối cùng tử vong do liệt cơ hô hấp.

"Bệnh dại nguy hiểm mà hiện nay chưa có một phương pháp điều trị đặc hiệu nào. Vì vậy không nên chủ quan khi bị động vật cắn dù chỉ trầy xước nhẹ. Biện pháp duy nhất để cứu người khi bị phơi nhiễm virus dại là tiêm vắc-xin và huyết thanh dại càng sớm càng tốt. Bởi khi đã lên cơn dại thì 100% bệnh nhân tử vong" - bác sĩ Trương nhấn mạnh. 

Mỗi năm có 70-100 người tử vong do bệnh dại

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong 10 năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục báo cáo từ 70-100 trường hợp tử vong do bệnh dại mỗi năm. Năm 2022, cả nước đã ghi nhận gần 60 trường hợp tử vong do bệnh dại trên người. Trong đó, khu vực miền Bắc chiếm số lượng cao nhất với 23 ca, sau đó đến miền Nam là 20 ca, Tây Nguyên 10 ca và miền Trung 5 ca.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dại là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất ở Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022, tỉ lệ chết 100% khi phát bệnh.

Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Sau đó, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

N.Dung

Bài và ảnh: HẢI YẾN

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/benh-dai-vao-mua-a26388.html