Tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào sáng 1/2, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, những tháng cuối năm 2022, khi xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giày bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày giảm 30-40% đơn hàng; chế biến gỗ giảm 50% đơn hàng. Theo báo cáo của các cấp công đoàn, có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng. Trong đó, 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc.
Tổng Liên đoàn Lao động đã khảo sát, họp với công đoàn các địa phương bàn giải pháp cụ thể, vừa bảo đảm quyền lợi người lao động, vừa ổn định tình hình quan hệ lao động.
Ngày 16/12/2022, các bộ, ngành liên quan và Tổng Liên đoàn Lao động đã phối hợp tham mưu nội dung để Thủ tướng ban hành Công điện về biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.
Bên cạnh đó là tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho hơn 8,4 triệu lượt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền 5.850 tỷ đồng.
Tình hình đoàn viên, người lao động, tình hình quan hệ lao động trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão cơ bản ổn định, số vụ ngừng việc giảm hơn một nửa so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nêu lên một số vấn đề cần quan tâm như: Nợ bảo hiểm xã hội, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; số cuộc ngừng việc tập thể có dấu hiệu tăng lên. Cụ thể năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021.
Tình trạng thôi việc, bỏ việc của cán bộ, công chức, viên chức tăng nhiều; hoạt động cho vay “tín dụng đen” diễn ra tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu tập trung đông công nhân lao động diễn biến phức tạp chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu...
Theo Tri thức trực tuyến, ông Nguyễn Đình Khang đề nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, có giải pháp cụ thể xử lý con số hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Tổ chức công đoàn cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để ổn định sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng.
Lãnh đạo Công đoàn Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ trình cấp có thẩm quyền sớm thực hiện Đề án cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 27 ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Cùng với đó là tiếp tục có chính sách để thu hút và giữ chân công chức, viên chức có trình độ, năng lực, phẩm chất làm việc trong các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị.
Về sự việc trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng về thông tin, số liệu thật sự chính xác.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, trong đó có nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cùng các bộ ngành nghiên cứu kiến nghị của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về tháo gỡ, vướng mắc, trong đó có nợ tiền lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội của người lao động.
"Cái gì trong tầm tay thì làm trước, đi từ thấp lên cao, đi từ nhỏ đến lớn, đi từ đơn giản đến phức tạp thì mới làm được. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bên liên quan trình sớm Chính phủ về các kiến nghị liên quan đến chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa do tổ chức công đoàn đề xuất.
Hạnh (T/h)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thu-tuong-chi-dao-nong-vu-200000-nguoi-lao-dong-bi-no-bhxh-a26301.html