Tại buổi làm việc đầu năm mới 2023 tại Bộ Y tế, của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đang dần phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, triển khai khám, chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang đẩy nhanh tiến độ việc xây dựng, ban hành danh mục giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh dịch vụ.
Điểm sáng trong 3 năm đại dịch bùng phát
Đề án Khám, chữa bệnh từ xa được các bệnh viện bắt đầu triển khai từ thời điểm trước dịch COVID-19, theo đó phát huy hiệu quả, trở thành điểm sáng trong bối cảnh đại dịch bùng phát trong gần 3 năm qua.
Tổng kết công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến và Đề án Khám, chữa bệnh từ xa của BV Hữu nghị Việt Đức (BV Việt Đức) năm 2022, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện cho biết, đề án đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận như: tăng số giường bệnh ở bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh; tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện đã cải thiện rõ nét; các bệnh viện đã làm chủ và thực hiện thường quy các kỹ thuật do bệnh viện hạt nhân chuyển giao nhiều kỹ thuật, tỷ lệ chuyển tuyến giảm từ 100% xuống chỉ còn 5 - 10%.
Ngày 22/6/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 và đây đã trở thành một điểm sáng trong các hoạt động y tế thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát của BV Việt Đức.
Đến nay đã có 120 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện tham gia kết nối với BV Việt Đức. Đáng chú ý, ngày 31/1/2021, các chuyên gia của BV Việt Đức trực tiếp hướng dẫn phẫu thuật ca bệnh đa chấn thương, vỡ tim cho các bác sĩ BVĐK tỉnh Quảng Ninh qua hệ thống hội chẩn trực tuyến Telemedicine. BV Việt Đức cũng đã tổ chức hơn 60 buổi giao ban, hội chẩn trực tuyến với Cơ sở điều trị COVID-19 tại TP.HCM...
Tại BV Răng Hàm Mặt Trung ương, tổng kết hơn 2 năm thực hiện Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, PGS.TS.BS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện, đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng và những thành tựu của đề án này. Theo PGS.TS.BS Trần Cao Bính, Đề án Khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế giai đoạn 2020 - 2025 đã chính thức đi vào hoạt động từ 8/2020 tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, với mục đích cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa; hội chẩn các ca bệnh khó gồm chẩn đoán hình ảnh và giải phẫu bệnh; tuyên truyền các phương pháp phòng chống và chăm sóc các bệnh lý thuộc lĩnh vực răng-hàm-mặt... để người dân được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao như các bệnh viện tuyến trên ngay tại tuyến y tế cơ sở.
“Đề án Khám, chữa bệnh từ xa còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo phương thức kết hợp của bác sĩ tuyến trên với bác sĩ tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2. Tức là 1 bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã. Trong đó, bác sĩ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết”, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết.
Tận dụng “giờ vàng” cứu chữa người bệnh
Có thể nói Đề án Khám, chữa bệnh từ xa đến nay không chỉ là kênh kết nối nhanh chóng, linh hoạt giữa các tuyến, các bệnh viện qua hệ thống Telehealth, mà còn có thể hỗ trợ giúp ca bệnh khó kết nối với bác sĩ bất cứ thời điểm nào để xử lý trong các tình huống khẩn cấp...
Việc các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến Trung ương dựa trên nền tảng công nghệ thông tin cũng góp phần phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện truyến trên. Đồng thời, giúp đội ngũ y, bác sĩ tuyến dưới có thêm kiến thức, tự tin hơn trong điều trị và giúp tận dụng “giờ vàng” cứu chữa người bệnh, từ đó giảm thiểu tối đa các ca tử vong.
Sau hơn 2 năm triển khai, Đề án Khám, chữa bệnh từ xa tại BV Răng Hàm Mặt Trung ương đến nay đã bao phủ 31 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng, việc đi lại khó khăn, những ca bệnh khó vẫn được giải quyết đảm bảo, thường xuyên ngay tại tuyến cơ sở nhờ có Teleheath.
“Có những ca chấn thương nặng ở Thái Bình vào thời điểm giãn cách xã hội, đã xin lịch hội chẩn để chúng tôi tư vấn; hay những ca bệnh ở tuyến dưới dù đã thực hiện thường quy, hoặc gặp một số ca bệnh khó... họ cũng xin kết nối để được tư vấn từ các chuyên gia, rằng làm như thế có đúng không, từ đó sàng lọc ca bệnh tốt hơn”, PGS.TS.BS Trần Cao Bính cho biết thêm.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), chỉ đạo tuyến và khám, chữa bệnh từ xa là một những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế: “Hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đưa dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần nhân dân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến Trung ương”.
Theo VOV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/kham-chua-benh-tu-xa-tan-dung-gio-vang-cuu-nguoi-benh-a26255.html