Ngày 31-1, đoàn giám sát của Bộ Y tế đã kiểm tra hoạt động phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023 tại một số địa điểm ở TP HCM, gồm: sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Y tế quận 3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Xin nuôi cấy virus SARS-CoV-2
Thông tin trên Người lao động, trong buổi giám sát tại Trung tâm Y tế quận 3, Bộ Y tế ghi nhận số người đến tiêm mũi nhắc vắc-xin ngừa COVID-19 vẫn còn hạn chế. Quận 3 là một trong những địa phương tại TP HCM có mật độ dân số đông cùng nhiều điểm du lịch, tham quan thu hút khách ghé thăm.
Theo bác sĩ Nguyễn Kim Khôi Nguyên, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật Trung tâm Y tế quận 3, đơn vị luôn duy trì ít nhất 2 điểm tiêm vắc-xin mũi nhắc ngừa COVID-19 xuyên Tết và bố trí nhân sự thay phiên làm việc. Trước tình hình số lượng người đến tiêm còn ít, đơn vị đang cố gắng truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động người dân đi tiêm song song với việc thực hiện tốt thông điệp 2K.
Báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP HCM, đại diện Sở Y tế cho biết trong dịp Tết Nguyên đán 2023, thành phố triển khai tiêm vắc-xin tại 45 điểm tiêm với hơn 300 mũi, bao gồm: 22 mũi 1, 7 mũi 2, 65 mũi nhắc lần 1 và hơn 200 mũi nhắc lần 2. Không có trường hợp nào gặp biến chứng bất lợi nặng sau tiêm.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, khẳng định ngành y tế TP HCM tiếp tục bảo đảm tiêm chủng vắc-xin mũi nhắc; tiếp tục giám sát các biến thể có thể xuất hiện trong thời gian tới, đặc biệt là những chùm ca bệnh nặng. Các bệnh viện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) tiếp tục theo dõi để báo cáo và có giải pháp ứng phó nếu xuất hiện biến thể mới. Ngoài ra, Sở Y tế cũng kiến nghị UBND thành phố tiếp tục duy trì Bệnh viện Dã chiến số 13 nhằm kịp thời tiếp nhận bệnh nhân trong tình huống xấu.
Cũng trong buổi làm việc, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM kiến nghị Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nuôi cấy virus SAR-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Một trong những lý do được lãnh đạo Sở Y tế đưa ra là bởi virus SAR-CoV-2 đã có trong cộng đồng. "Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường ĐH OXFORD hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới xây dựng một phòng an toàn sinh học cấp 3, đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học quốc tế. Hằng năm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đều kiểm tra và xác nhận tính an toàn vận hành của phòng này. Tại phòng an toàn sinh học cấp 3, một số loại virus đã được nuôi cấy như virus cúm, vi trùng lao đa kháng..." - TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin.
Giải thích thêm, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho hay khi nuôi cấy virus SAR-CoV-2, việc đánh giá miễn dịch sẽ tốt hơn. Thời gian qua, nghiên cứu đánh giá miễn dịch cộng đồng tại TP HCM chủ yếu dựa vào nồng độ kháng thể và sử dụng một số kỹ thuật thay thế phản ứng trung hòa. Phản ứng trung hòa là phản ứng chính xác nhất để đánh giá kháng thể bảo vệ nhưng để thực hiện, phải có virus sống trộn với huyết thanh.
Chưa bảo đảm 2K tại sân bay
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, TP HCM đón 125.000 khách nhập cảnh, riêng khách Trung Quốc là 4.100 với 25 chuyến bay.
Đại diện Bộ Y tế, ThS - bác sĩ Lương Chấn Quang, Trưởng Khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh - Viện Pasteur TP HCM, đánh giá công tác phòng chống dịch tại thành phố đã được chuẩn bị từ rất sớm và chi tiết. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy chủ yếu phòng bệnh bằng việc đeo khẩu trang, dung dịch khử khuẩn còn thiếu. Trong khi đó, đến nay, Việt Nam vẫn duy trì phòng dịch theo nguyên tắc 2K (khẩu trang và khử khuẩn). "Đề nghị Sở Y tế TP HCM và HCDC làm việc với sân bay Tân Sơn Nhất để bảo đảm trang bị đầy đủ dung dịch khử khuẩn tại quầy khách nối chuyến, quầy bán sim, cấp thị thực..." - bác sĩ Quang nhấn mạnh.
Bác sĩ Quang cho rằng dù suốt dịp Tết Nguyên đán vừa qua không phát hiện trường hợp nghi ngờ nào tại cửa khẩu nhưng nguy cơ xâm nhập cao nên sự giám sát trong cộng đồng cũng như giám sát tiệm cận là rất quan trọng. "TP HCM có Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm giải trình tự gien xác định biến thể mới. Hai đơn vị đã làm rất tốt song cần báo cáo, chia sẻ về Bộ Y tế để đánh giá nguy cơ và có kế hoạch phòng chống tốt dịch bệnh" - bác sĩ Quang lưu ý.
Theo TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, thành phố đã chuẩn bị phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm một cách kỹ lưỡng, đáp ứng những tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên, biến thể COVID-19 luôn biến đổi nên cần theo dõi sát sao. "Dù dịch COVID-19 trong tầm kiểm soát khi số ca nhập viện giảm nhưng không có nghĩa chúng ta lơ là, chủ quan. Sau Tết, người dân quay trở lại làm việc, giao lưu nên chắc chắn sẽ có biến thể xâm nhập. Ngành y tế cần khuyến cáo mạnh mẽ đối với người dân khi đến các khu vui chơi, du lịch, lễ hội, chẳng hạn đặt bảng lưu ý người dân thận trọng thực hiện tốt quy định 2K. Điều này nhằm giảm tốc độ lây lan cũng như làm chủ tình hình nếu xuất hiện biến thể mới" - bác sĩ Thượng nói.
L.Hằng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tp-hcm-de-xuat-duoc-nuoi-cay-virus-sar-cov-2-trong-phong-thi-nghiem-a26242.html