"Báo chí phải nhanh nhạy hơn, chính xác, chuyên nghiệp, sát thực tiễn hơn"

Kết luận Hội nghị Giao ban báo chí đầu xuân Quý Mão 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị báo chí phải nhanh nhạy hơn, chính xác hơn, chuyên nghiệp và sát thực tiễn hơn.

Sáng 31/1, tại trụ sở Báo Nhân Dân, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin-Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và báo Nhân Dân phối hợp tổ chức Hội nghị Giao ban báo chí đầu xuân.

Tham dự chủ trì, chỉ đạo Hội nghị có ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, ông Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các cơ quan báo chí của Trung ương và Hà Nội.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Lê Quốc Minh, đại diện cơ quan báo chí đăng cai tổ chức Hội nghị, bày tỏ vui mừng được đón tiếp đại diện các cơ quan báo chí theo thông lệ thường niên.

Nhấn mạnh, trong lịch sử phát triển 72 năm, báo Nhân Dân đã đạt những kết quả ngoạn mục, tuy nhiên, trong dòng chảy báo chí nói chung, ông Lê Quốc Minh cho rằng, báo Nhân Dân còn phải đổi mới, đa dạng hóa nội dung, phát hành thông tin trên nhiều nền tảng, đặc biệt là nền tảng số. Những kết quả thời gian qua chỉ là những bước đi đầu tiên.

Ông Lê Quốc Minh cho biết, trong năm 2023, báo Nhân Dân đã có nhiều kế hoạch để cải tiến trên các loại ấn phẩm của mình, như truyền hình, báo in, báo điện tử. Đặc biệt, báo in sẽ mở thêm chuyên trang; xây dựng nội dung tương tự trên điện tử, truyền hình, đảm bảo sự liên thông để thông tin nhanh chóng đến với độc giả.

Ở góc độ Hội Nhà báo, ông Lê Quốc Minh mong muốn các cơ quan báo chí sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong năm 2023. Trong khó khăn chung của đất nước, các bài viết trên các loại hình báo chí, bên cạnh việc phản ánh trung thực, cũng cần tạo ra sự hứng khởi, thái độ tích cực để cả đất nước cùng vượt qua khó khăn, hướng tới những thành công trong tương lai.

Thay mặt Vụ Báo chí xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), ông Tống Văn Thanh đã báo cáo công tác báo chí xuân Quý Mão, điểm lại những chủ đề lớn đã được các cơ quan báo chí phản ánh trong thời gian qua. 

Kết luận Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thay mặt Chính phủ và Thủ tướng với tình cảm gắn bó, trân trọng gửi tới lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí và các nhà báo năm mới sức khỏe, thành công.

Phó Thủ tướng nêu rõ, những khó khăn, thách thức trong năm 2021, 2022 không chỉ đối với Việt Nam mà là những thách thức sống còn, là giai đoạn đã chứng kiến đến cực đỉnh những vấn đề  toàn cầu như đại dịch Covid, biến đổi khí hậu, thách thức của mô hình phát triển không cho phép con người có thể đi xa hơn, mà phải thay đổi từ tư duy đến nhận thức. Vì thế, theo Phó Thủ tướng, Hội nghị này đặt ra rất nhiều vấn đề quan trọng cho việc thay đổi tư duy để phát triển.

Cho biết, trong chuyến đi đầu năm từ Tuyên Quang tới Cần Thơ, lãnh đạo Chính phủ đã chứng kiến sự phấn khởi, hồ hởi trong nhân dân và phát hiện ra một "con đường mới, con đường huyết mạch" đó là con đường của sự tin tưởng, gắn bó, ủng hộ Đảng, Nhà nước của người dân.

"Đi đến đâu, người dân cũng bày tỏ dù phải nhường đất, nhường nhà để làm đường, nhưng với chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, người dân luôn phấn khởi ủng hộ cho mục tiêu phát triển của đất nước", Phó Thủ tướng thông tin.

Khẳng định năm 2023 còn nhiều khó khăn, chúng ta đã có một tiền đề quan trọng đó là lòng tin cùng với những thành tựu cũng như bài học đã đúc kết được cho quá trình phát triển đất nước, theo Phó Thủ tướng, chúng ta có thể tin tưởng vào tinh thần kiến tạo và đồng hành.

Đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị giao ban báo chí đầu năm, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là cơ chế rất quan trọng để Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan báo chí định hướng, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước.

Nhấn mạnh, nền báo chí cách mạng đang bước vào một giai đoạn có thể thấy cơ hội và quyết tâm đều có đủ, sự ủng hộ của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội cùng các cơ chế đã có, nhưng trong thế giới biến đổi hiện nay, thách thức với các cơ quan báo chí còn rất lớn. Với trên 700 cơ quan báo chí hiện nay, trong bối cảnh chuyển đổi số, có tới hàng nghìn loại hình, phương tiện báo chí cũng ứng dụng các công nghệ chuyển đổi số. Do đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có đủ sức mạnh, năng lực có thể cạnh tranh được với số lượng đó. Đương nhiên về chất lượng, nội dung chúng ta hơn nhưng về khả năng thu hút, đáp ứng được yêu cầu của độc giả.

Trước yêu cầu phải đổi mới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị báo chí phải nhanh hơn, nhạy hơn, chính xác hơn, chuyên nghiệp hơn và sát với thực tiễn hơn. Các cơ quan báo chí không chỉ đơn thuần phản ánh mà phải xây dựng được đội ngũ phóng viên biên tập viên chuyên nghiệp, là những nhà lý luận, nhà ngoại giao, nhà kinh tế, nhà nghệ thuật, nhà công nghệ và nhà chuyển đổi số. Điều này là rất quan trọng và mỗi cơ quan báo chí cần có đề xuất để Nhà nước, Chính phủ sẽ cùng xem xét thực hiện các yêu cầu, làm sao để xây dựng được đội ngũ làm báo chuyên nghiệp và hiện đại, phù hợp với chuyển đổi số.

Cùng theo Phó Thủ tướng, đã đến lúc cơ chế thị trường sẽ là cơ chế chi phối nên hoạt động báo chí cũng phải ttheo cơ chế thị trường. Trong bối cảnh đó, cần làm rõ vai trò của báo chí. Phó Thủ tướng cũng mong muốn các cơ quan báo chí ngày càng có nhiều các tác phẩm, ấn phẩm, có sự đầu tư để có nhiều câu chuyện, nhiều món ăn tinh thần không thể thiếu đối với các nhà quản lý và mỗi người dân trong đời sống hàng ngày.

"Trong bối cảnh chúng ta cần phải đưa ra nhiều thông tin đến với nhiều người dân hơn, bằng nhiều hình thức hơn, trên quan điểm của mỗi nhà báo nhưng thống nhất về tư tưởng, chính trị, chủ trương thì tại sao chúng ta không phát huy nguồn này", Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Phó Thủ tướng cho biết, ông liên tục theo dõi động thái của mình, của Chính phủ trên báo chí; đặc biệt cũng được nhiều nhà báo lão thành gửi ý kiến đóng góp. Và theo ông, đây cũng chính là cơ chế, là một cách làm việc. Bên cạnh nhiệm vụ phát ánh thông tin, Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí phải khái quát và đưa ra được những vấn đề, đánh giá được những động thái, phản ứng của Chính phủ, phản hồi kịp thời về chính sách.

"Có những việc chúng ta chỉ phản ứng chậm chính sách là chúng ta đã thất bại trên mặt trận truyền thông. Vì thế, việc phản ứng kịp thời, phản ứng nhanh rất cần sự ủng hộ của các cơ quan báo chí", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Năm 2023 là năm rất quan trọng đối với Quốc hội, Chính phủ, có nhiệm vụ chung là xây dựng Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đây là sự kiện pháp lý trung tâm của Quốc hội, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, vì thế Phó Thủ tướng rất mong các cơ quan báo chí sẽ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong việc tổ chức lắng nghe, lấy ý kiến của nhân dân và phản hồi thật chính xác để xây dựng một đạo luật về kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, là một nền tảng để phát triển kinh tế xã hội./.

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bao-chi-phai-nhanh-nhay-hon-chinh-xac-chuyen-nghiep-sat-thuc-tien-hon-a26230.html