Hội thi kéo lửa thổi cơm là lễ hội dân gian đã có từ lâu đời tại làng Thị Cấm (xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) diễn ra hàng năm vào ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch để tưởng nhớ công ơn Thành hoàng của làng - tướng quân Phan Tây Nhạc.
Những bao rơm khô do ban tổ chức chuẩn bị được di chuyển đến vị trí các đội. Cuộc thi năm nay có 4 đội tham dự tương ứng với 4 tổ dân phố trên địa bàn phường.
Các đội chơi đập dập, tước nhỏ những cây nứa cho dễ dàng bắt lửa.
Trong giai đoạn chuẩn bị các đội sẽ bắt đầu tết rơm thành từng bó. Rơm sau khi tết sẽ được đặt dưới và trên những chiếc cối đá đã rửa sạch.
Các đội chơi lót bó rơm đã tết lại như ổ gà dưới cối đá để tránh khi giã cối bị rung hay di chuyển.
Phần miệng cối cũng được lót một ổ rơm để tránh gạo bị bay ra ngoài trong lúc giã.
Gần 11 giờ, sân đình đã chật kín người đến xem. Hội thi thổi cơm sẽ có 3 phần chính: kéo lửa, thi chạy lấy nước và thổi cơm. Phần thi chạy lấy nước sẽ do các cháu có độ tuổi từ 12 đến 14 tuổi đảm nhận. Xuất phát từ đình làng các thí sinh sẽ phải chạy quãng đường khoảng 700m về hướng đông. Ai mang được nước về lại đình làng sớm nhất sẽ chiến thắng.
Đúng 11 giờ, phần thi lấy nước và kéo lửa bắt đầu.
Bên trong sân đình lúc này, các đội sẽ bắt đầu kéo lửa. Dụng cụ để kéo bao gồm 3 thanh giang, một hộp tre khô và bùi nhùi được làm từ rơm khô. Mồi lửa đầu tiên bén rơm cũng là lúc không khí trong sân đình làng náo nhiệt hơn bao giờ hết.
Các đội bắt đầu đổ về vị trí, chăm chút cho nồi cơm của mình.
Thóc được giã thành gạo bằng cối đá và chày loại lớn.
4 thí sinh thi lấy nước lúc này cũng đã trở về. Người về đầu tiên là cháu Nguyễn Vinh Khoa của tổ dân phố số 4 (ngoài cùng bên phải).
Chỉ trong phút chốc, sân đình làng mịt mù khói trắng cay xè mắt. Không gian đình làng Thị Cấm vang dội tiếng trống chiêng, tiếng người dân hò reo cổ vũ nhễ nhại mồ hôi.
Thi nấu cơm bằng bùi nhùi và củi trên những chiếc nồi bé đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm. Đa số người tham dự thi là những người có tuổi trong làng.
Các cụ lớn tuổi trong làng còn cho biết, cơm nấu bằng gạo giã tay khó chín hơn gạo bình thường.
Các đội thi đốt rơm lấy tro để vùi nồi cơm cho chín. Ngoài những đống tro để vùi nồi cơm các đội còn đốt thêm rất nhiều đống tro giả bên trong không có nồi cơm. Việc này nhằm câu giờ ban giám khảo khi đi tìm cơm để nồi cơm của đội mình có nhiều thời gian ủ hơn.
Sau một tuần hương, các thành viên của ban giám khảo sẽ đi tìm nồi cơm trong rất nhiều đống tro rơm. Cơm sau đó được mang ra gian ngoài của đình làng để chấm điểm công khai trước người dân và thành viên của các các đội tham dự.