23 năm trên “hành trình đỏ” của người cựu binh

Bác Lê Đình Duật đã có thành tích trong việc tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu tình nguyện suốt 23 năm qua.

Khởi nguồn của "món nợ"...

Gia đình bác Lê Đình Duật ở trong một căn hộ nhỏ, đơn sơ, nhưng rất sạch sẽ trong một khu tập thể cũ thuộc tại Tổ dân phố 10, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, khiến những ồn ào, xô bồ nơi phố thị bỗng nhiên được bỏ lại bên ngoài. Hai vợ chồng bác Duật hiền lành, niềm nở luôn làm cho những vị khách có cảm giác thật gần gũi và ấm áp.

Bác Duật kể, trước đây bác là sĩ quan chỉ huy của bộ đội tên lửa phòng không, thuộc Tiểu đoàn 61, Đoàn Tên lửa Sông Đà anh hùng. Bác được trực tiếp tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Đế quốc Mỹ từ năm 1965 đến năm 1972, cả ở Hà Nội và khu IV.

Do cuộc chiến tranh quá ác liệt, nhất là ở các mục tiêu trọng yếu và các trọng điểm giao thông, bác Duật đã chứng kiến nhiều đồng đội và đồng bào ta ở các địa phương nơi địch đánh phá bị thương và hy sinh do bị mất máu quá nhiều mà không có máu để truyền cấp cứu.

ong-vo-dang-dung-pho-bi-thu-quan-uy-chu-tich-ubnd-quan-thanh-xuan-trao-trao-thu-khen-cua-chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-cho-bac-le-dinh-duat-16739284936951817356203-1674640695.jpeg
Đồng chí Võ Đăng Dũng - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân trao Thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho bác Lê Đình Duật.

"Một đêm của tháng 5/1966, sau khi chuẩn bị trận địa mới ở Hương Khê, Hà Tĩnh, trên đường trở về đơn vị, đến phà Địa Lợi thì xe của đoàn chúng tôi không đi được nữa vì cầu phao và phà bị máy bay Mỹ đánh hỏng. Tôi được đồng chí tham mưu trưởng tiểu đoàn giao cho phụ trách 7 anh em, phải bằng mọi cách về đơn vị sớm để báo cáo tình hình cho chỉ huy tiểu đoàn biết để chuẩn bị kế hoạch hành quân.

Sau khi bơi qua sông lên bờ, anh em chúng tôi hành quân theo đường 15 ra Can Lộc (nơi đơn vị đang đóng quân). Đi được hơn 1km thì gặp một trạm cứu thương, bên trong có rất nhiều thương binh. Chúng tôi được đồng chí trạm trưởng đề nghị hiến máu để cứu chữa cho số anh em thương binh nặng, nếu không có máu truyền thì họ sẽ khó giữ được tính mạng.

Chúng tôi rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì phải về đơn vị càng sớm càng tốt. Song trước sinh mạng của các chiến sĩ bộ đội và trước ánh mắt khẩn cầu của đồng chí trạm trưởng cùng các y, bác sĩ nơi đây khiến chúng tôi không thể từ chối.

Sau khi kiểm tra sức khỏe và làm các thủ tục cần thiết thì 4/7 người, trong đó có tôi thuộc nhóm máu 0 là đủ điều kiện để cho máu", bác Duật kể lại.

Sau lần đầu cho máu, không hiểu sao người sĩ quan chỉ huy ấy lại cảm thấy bồn chồn không yên, cứ canh cánh trong lòng câu hỏi rằng không biết số thương binh ở trạm cứu thương trên bến phà Địa Lợi khi đó có được bình an cả hay không? rồi lại tự thấy mình như vẫn còn "món nợ" chưa trả xong với đồng đội.

Bẵng đi hơn 1 năm sau, vào tháng 6/1967 khi đang chiến đấu bảo vệ Hà Nội, bác Duật lại nhận được tin bố vợ tương lai qua đời vì bị bom của máy bay Mỹ sát hại. Ông cụ bị thương một bên đùi, nhưng do vết thương quá nặng khiến cơ thể mất nhiều máu, bệnh viện lại không có máu để truyền cấp cứu nên cụ đã ra đi mãi mãi.

"Lúc này trong tôi đọng lại chỉ một từ duy nhất "máu". Tôi cho rằng đây chính là "món nợ" mà tôi sẽ phải dành cả cuộc đời để trả", bác Duật xúc động.

Cơ hội để trả "món nợ" tâm nguyện!

bac-le-dinh-duat-dong-vien-thanh-nien-tre-tham-gia-hien-mau-tinh-nguyen-tai-diem-hien-mau-quan-thanh-xuan-tp-ha-noi-1673928493528456445937-1674640696.jpeg
Bác Lê Đình Duật động viên thanh niên trẻ tham gia hiến máu tình nguyện tại điểm hiến máu quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Đầu năm 1991, bác Duật được nghỉ chế độ về với cuộc sống đời thường. Trở về với căn hộ thuộc Tổ dân phố 10, phường Thanh Xuân Trung, được lãnh đạo tin tưởng và mọi người tín nhiệm, bác Duật được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của phường. Đây chính là cơ hội để bác Duật tham gia công tác nhân đạo, cũng là cơ hội để trả "món nợ" tâm nguyện mà bác ấp ủ bao lâu nay.

Mãi đến năm 1999, ở địa phương mới có phong trào hiến máu nhân đạo, lúc này bác Duật đã tình nguyện tham gia ngay, nhưng lại nhận được tin buồn khi bác không đủ điều kiện hiến máu vì tuổi cao, huyết áp thấp... "Cái khó lại ló cái khôn", bác Duật cho rằng bản thân không thể thì sẽ đi vận động để mọi người hiến máu. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như bác nghĩ, khó khăn mới chỉ bắt đầu từ đây, một "mặt trận mới" lại đang chờ bác trước mắt...

"Ngày đó còn rất nhiều người hiểu sai nên có định kiến với việc hiến máu tình nguyện. Họ từ chối với đủ mọi lý do, như sợ lây bệnh; sợ cho máu đi sẽ khiến bản thân bị ốm đau, bệnh tật, làm khổ gia đình; cho rằng máu là xương, là thịt nên không thể cho đi; hay là một giọt máu bằng sáu bát cơm...", bác Duật kể.

Rơi vào khó khăn, bác Duật đành phải nương nhờ đến hậu phương của mình là gia đình. Rất may khi nghe bác vận động thì được cả vợ và 3 người con nhiệt tình hưởng ứng. Từ kết quả hiến máu của gia đình, bác Duật đã tiếp tục vận động anh em, họ hàng, con cháu ở quê ra Hà Nội công tác hay học tập cùng tham gia hiến máu.

Từ ngày đó, căn hộ nhỏ của vợ chồng bác Duật đã trở thành "địa chỉ đỏ" của những người tham gia hiến máu. Những buổi sáng của ngày đi hiến máu, mọi người đều sẽ phải tập trung tại đây để cùng nhau ăn sáng nhanh bằng bánh mì chấm sữa rồi mới lên đường. Thời gian trước dịch COVID -19, buổi trưa sau khi hiến máu xong mọi người sẽ lại tập trung về căn hộ ấy, cùng nhau ăn bát bún ngan do chính tay vợ bác Duật nấu, vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả rồi mới lại ai về nhà nấy.

Bánh mì, sữa, bún ngan hay những lần bồi dưỡng thêm từ 150-200 nghìn đồng/người hiến máu đều được trích ra từ những đồng lương tích cóp của vợ chồng bác Duật. Gần 23 năm trôi qua, vợ chồng bác chưa một lần thở dài, chùn bước.

Và những trái ngọt...

Trải qua hành trình 23 năm với nhiều khó khăn, thách thức, đến nay gia đình bác Duật đã vận động được 1.117 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện, đạt 1.025 đơn vị máu an toàn. Trong đó 6 thành viên của gia đình bác đã hiến được 220 đơn vị máu an toàn.

Cụ thể, vợ bác là Lê Thị Kim Dinh (SN 1946) đã hiến 13 đơn vị, con gái cả Lê Thanh Hà (SN 1976) đã hiến 15 đơn vị, con gái thứ Lê Thanh Nam (SN 1980) đã hiến 101 đơn vị, con trai út Lê Quyết Thắng (SN 1985) đã hiến 86 đơn vị, con dâu Đỗ Thị Liễu (SN 1988) đã hiến 3 đơn vị, và nhỏ tuổi nhất là cháu ngoại Đào Ngọc Linh (SN 2004) đã hiến 2 đơn vị.

cac-chau-nha-bac-duat-mu-do-tham-gia-hien-mau-tinh-nguyen-1673928493537843572324-1674640696.jpeg
Các cháu nhà bác Duật (mũ đỏ) tham gia hiến máu tình nguyện.

Ngoài những thành quả ngọt ngào đó, người lính Bộ đội Cụ Hồ đời thường ấy đã đạt được rất nhiều thành tích với hơn 200 Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm Chương về phong trào hiến máu tình nguyện của Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Bằng khen của Bộ Y tế, UBND TP. Hà Nội, Hội Nhà báo... Và mới đây nhất là ngày 18/10/2022, bác Lê Đình Duật đã nhận được Thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vì đã có thành tích trong việc tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu tình nguyện.

Vui mừng hơn là vào ngày 24/8/2022 Chính phủ cũng đã có Quyết định số 1007/QĐ-TTg về việc tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho gia đình bác Lê Đình Duật vì đã có thành tích trong công tác tuyên truyền, vận động và hiến máu nhân đạo trên địa bàn TP. Hà Nội.

Phóng viên có thể nhìn thấy niềm hạnh phúc và lòng tự hào trong mắt của người "sứ giả đỏ" đã ngoài 80 tuổi ấy... Với tinh thần cho đi là lẽ sống, bác Lê Đình Duật vẫn luôn muốn gửi tới mọi người, nhất là với thế hệ trẻ - những hạt giống tương lai của đất nước những dòng thông điệp nhỏ:

Ai ơi! Máu quý hơn vàng

Nhưng đừng vì thế bàng quan với đời

Hãy bớt một phần máu tươi

Ở trái tim đỏ cứu người hiểm nguy

Nếu cứu được hãy cứu đi

Ân nghĩa đời sẽ trả khi bạn cần!

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/23-nam-tren-hanh-trinh-do-cua-nguoi-cuu-binh-a25950.html