Lính mũ nồi xanh Việt Nam dạy học ở châu Phi

Đến Abyei làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, những người lính Việt Nam tận dụng ngày nghỉ để dạy tin học, tiếng Anh cho trẻ em bản địa.

13h30 mỗi chiều thứ sáu, thiếu tá Nguyễn Văn Thứ, sĩ quan Tham mưu hậu cần tại Phái bộ an ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc ở Abyei (UNISFA) lại khệ nệ bê chồng tài liệu đến phòng học nhỏ ở trường cấp 3 Abyei. Nơi đây, khoảng 40 đứa trẻ, tuổi từ 12 đến 17 đã có mặt, háo hức chờ thầy Thứ đến dạy học.

Abyei - khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan, có chiến sự, mâu thuẫn sắc tộc kéo dài, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, đặc biệt là trẻ em. Dù xác định học hành là con đường duy nhất giúp đổi đời, những đứa trẻ ở đây khó tiếp cận tiếng Anh và tin học do các trường thiếu giáo viên. Tiền lương ít ỏi 20-25 USD mỗi tháng và thường xuyên chậm khiến nhiều người bỏ dạy tìm việc khác.

Ngày khai trương hai phòng học do Đội Công binh số 1 xây tặng trường, tiết học đầu tiên do bộ đội Việt Nam tình nguyện đứng lớp cũng đã diễn ra. Thượng tá Nguyễn Thị Liên (sĩ quan điều phối quân dân kết hợp của Đội Công binh số 1), nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại ngữ, Khoa Cơ bản, Trường Sĩ quan Đặc công phụ trách môn tiếng Anh, còn thiếu tá Nguyễn Văn Thứ, nguyên giảng viên Bộ môn Ngoại ngữ, Khoa Cơ bản, Trường Sĩ quan Thông tin, phụ trách môn Tin học. Trung tá Lê Ngọc Minh (quan sát viên quân sự Phái bộ), nguyên Tham mưu Lữ đoàn 1, Bộ Tư lệnh 86 giảng dạy về Điện tử, Điện dân dụng. Mỗi tiết học sẽ kéo dài 60 phút, dạy gối nhau ở hai phòng học.

Trung tá Lê Ngọc Minh (quan sát viên quân sự Phái bộ UNISFA), nguyên Tham mưu Lữ đoàn 1, Bộ Tư lệnh 86 giảng dạy về Điện tử, Điện dân dụng.

Trung tá Lê Ngọc Minh (quan sát viên quân sự Phái bộ UNISFA), nguyên Tham mưu Lữ đoàn 1, Bộ Tư lệnh 86 giảng dạy về Điện tử, Điện dân dụng.

Nếu như một số học sinh đã được tiếp cận tiếng Anh, tin học vẫn còn xa lạ với tất cả các em. Đa số học sinh chưa bao giờ chạm tay vào máy tính hay điện thoại thông minh. Để có tài liệu cho các em học, thầy Thứ phải chạy quanh cơ quan Liên Hợp Quốc để xin giấy loại, tận dụng mặt trắng còn lại để in bài. Anh cũng mang máy tính của mình đến lớp làm dụng cụ học tập.

"Học tin học nhưng cả lớp chỉ có một máy tính. Bàn phím, chuột, màn hình tôi phải minh họa bằng cách vẽ lên bảng hoặc chiếu trên tivi, sau đó mang máy tính của mình cho từng em xem, sờ", anh Thứ kể.

Tiếng Anh cũng là rào cản của lớp học khi một số em chưa đọc thông viết thạo. Thầy Thứ phải vận dụng tối đa ngôn ngữ cơ thể để giải thích nội dung bài giảng. Anh thiết kế bài giảng thật ngắn gọn, từ cơ bản nhất đến nâng cao, tập trung nội dung thiết yếu, hữu ích đối với học sinh.

Thượng tá Nguyễn Thị Liên nhớ mãi buổi dạy tiếng Anh đầu tiên. Hôm đó, chị không mặc bộ quân phục và chiếc mũ nồi xanh quen thuộc mà diện áo dài đỏ để giới thiệu trang phục truyền thống của Việt Nam và tạo hình ảnh gần gũi với học sinh. Bài học hôm đó có chủ đề "Language of Peace" - Ngôn ngữ của hòa bình.

Khi soạn giáo án, chị Liên xúc động nhận ra trong mỗi bài học là khát vọng cháy bỏng về hòa bình cũng như nỗi tuyệt vọng của người dân Abyei khi phải sống trong cảnh tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan. "Là sĩ quan điều phối các hoạt động quân dân kết hợp, thường xuyên tiếp xúc với người dân bản địa nên tôi hiểu giá trị của hòa bình ở mảnh đất nghèo khó, nơi người dân luôn phải sống trong sợ hãi vì súng đạn và không có tương lai này", chị Liên tâm sự.

Trong hơn một giờ học ngắn ngủi về chủ đề hòa bình, nhiều lần cả cô và trò đã bật khóc. Nữ sĩ quan xúc động trước suy nghĩ, khát vọng của trẻ em Abyei, mong muốn hòa bình để được đến trường, để gia đình không bị đói. "Cuối buổi học, tôi bật video bài hát Heal the world - hàn gắn thế giới của Michael Jackson cho các em nghe. Khi thấy hình ảnh người lính buông vũ khí để ôm lấy nhau, cả lớp ai cũng rơm rớm nước mắt", chị Liên nhớ lại.

Để chuẩn bị cho mỗi giờ giảng, thượng tá Liên, trung tá Minh và thiếu tá Thứ phải thức khuya để soạn bài sau khi nghiên cứu nhu cầu, để mỗi bài giảng sát với thực tế cuộc sống của người dân địa phương. Ba sĩ quan cũng phải chuẩn bị các thiết bị nghe nhìn để bài giảng thêm sinh động. Trước đây, học sinh phải học "chay", nhưng từ khi có giáo viên là bộ đội Việt Nam, học sinh được tiếp cận với máy chiếu, máy tính, màn hình tivi. Đội Công binh số 1 cũng đưa xe công trình xa do Quân đội Việt Nam thiết kế để phát điện phục vụ việc dạy học.

Ba giáo viên tình nguyện cho biết sẽ nỗ lực hết sức để truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm tốt nhất cho học sinh Abyei, trang bị hành trang để các em thi đại học, tìm việc làm. Thực tế, nhiều em đã nỗ lực hoàn thành chương trình, cố gắng giành học bổng đại học. Mục tiêu lớn nhất của các em là sau khi tốt nghiệp được nhận vào làm việc tại tổ chức quốc tế với mức lương đủ nuôi sống cả gia đình.

Công binh Việt Nam khoan giếng giúp trường cấp 3 Abyei chủ động được nguồn nước trong sinh hoạt. Ảnh: Đội Công binh số 1

Công binh Việt Nam khoan giếng giúp trường cấp 3 Abyei chủ động được nguồn nước trong sinh hoạt. )Ảnh: Đội Công binh số 1)

Đại tá Mạc Đức Trọng, Đội trưởng Công binh số 1 của Việt Nam tại Phái bộ UNISFA, cho biết Đội đã xây dựng dự án hỗ trợ các trường học tại Abyei với các đầu việc cụ thể. Hiện nay, bộ đội Việt Nam đã làm con đường khang trang nối từ đường chính vào trường cấp 3 Abyei, giúp học sinh không phải lội bùn mỗi mùa mưa đến.

Đội cũng đã xây tặng trường hai phòng học lớn, mỗi phòng 50 m2 và một phòng cho giáo viên. Các phòng đều được lắp điện năng lượng mặt trời để học sinh có thể học ca tối. Ngoài ra, Đội còn xây một thư viện rộng 70 m2 có bàn, tủ sách (làm từ gỗ thùng tiết kiệm); tặng 6 chiếc máy tính xách tay do nhà hảo tâm ở Việt Nam ủng hộ (trong đó một chiếc của Đội trưởng Công binh); lắp mạng LAN để kết nối máy tính; khoan và lắp hệ thống giếng khoan sâu 57 m, có máy bơm chìm; mua tặng trường máy phát điện; xây nhà cho bảo vệ ở...

"Trước đây, 1.000 học sinh của trường chỉ được cấp 2.000 lít nước dùng trong một tuần, mỗi người uống vài ngụm là hết. Nay chúng tôi tặng hệ thống giếng khoan, trường có thể chủ động trong nấu nước, sinh hoạt", đại tá Trọng nói, cho biết sau khi có nước, công binh lại hướng dẫn thầy cô và học sinh trồng cây lương thực, trồng rau, khoai, cà chua... Đội đã đưa người ra cùng làm đất, ủ giống, gieo giống, hướng dẫn họ cách chăm sóc.

Đội trưởng Công binh số 1 của Việt Nam, đại tá Mạc Đức Trọng (phải) tặng máy tính xách tay của mình cho ông Hiệu trưởng trường cấp 3 Abyei, giúp ông có công cụ soạn bài. Ảnh: Đội Công binh số 1

Đội trưởng Công binh số 1 của Việt Nam, đại tá Mạc Đức Trọng (phải) tặng máy tính xách tay của mình cho ông Hiệu trưởng trường cấp 3 Abyei, giúp ông có công cụ soạn bài. (Ảnh: Đội Công binh số 1)

Trước đây, trường cấp 3 Abyei không có ngân sách, giáo viên bị nợ lương nên bỏ việc. Tuy nhiên, sau khi Đội Công binh Việt Nam giúp đỡ các nhu cầu thiết yếu như phòng học, điện, nước, trường đã tuyển được thêm 9 giáo viên, trong đó có hai người từ Uganda tình nguyện đến dạy.

Mới đây, khi giáo viên và học sinh của trường đến doanh trại của Đội Công binh đón Tết cổ truyền, họ nói rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc giúp dân một cách thực chất. Những công trình mà bộ đội Việt Nam đã tặng có thể tồn tại thêm 20 năm nữa, với nhiều thế hệ học sinh. Các thầy cô chia sẻ rằng họ đã đọc tài liệu và biết ý nghĩa, tính ưu việt của "Quân đội nhân dân" là quân đội và nhân dân sát cánh, hỗ trợ nhau.

"Ông Hiệu trưởng nói rằng, sau những gì Việt Nam giúp đỡ, trường cấp 3 Abyei có cơ sở vật chất tương đương với một trường đại học ở thủ đô Juba, Nam Sudan", đại tá Trọng nói.

Anh cho biết, Hiệu trưởng trường cấp 3 Abyei đang đề nghị Đội Công binh Việt Nam tiếp tục giúp trường dựng một bếp ăn rộng rãi để học sinh có nơi nấu ăn trưa (nấu bột ngô được các tổ chức từ thiện gửi tặng). Bếp ăn hiện tại chỉ 30-40 m2, quá chật so với nhu cầu của 1.000 học sinh.

Công binh Việt Nam tặng 5 máy tính xách tay từ ủng hộ của nhà hảo tâm cho thư viện trường cấp 3 Abyei, sau đó lắp mạng LAN để kết nối các máy tính. Ảnh: Đội Công binh số 1

Công binh Việt Nam tặng 5 máy tính xách tay từ ủng hộ của nhà hảo tâm cho thư viện trường cấp 3 Abyei, sau đó lắp mạng LAN để kết nối các máy tính. (Ảnh: Đội Công binh số 1)

Để thực hiện lời thỉnh cầu này, Đội trưởng Công binh đã dặn dò bộ đội trong quá trình sửa chữa công trình, doanh trại cho Liên Hợp Quốc thì thu gom những đồ vật bị bỏ đi nhưng có thể tận dụng như sắt, gỗ, nhôm, tấm nhựa..., chất lên xe tải mang về đơn vị. "Khi nào các vật liệu có đủ thì công binh sẽ bắt tay giúp trường xây nhà ăn và xây thêm hai phòng học nữa", đại tá Mạc Đức Trọng nói.

Tháng 5/2022, Việt Nam lần đầu tiên cử Đội Công binh tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ UNISFA. Đội Công binh số 1 với biên chế 184 người có nhiệm vụ khảo sát, bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường vận tải chính, vận tải dự phòng; sửa chữa khôi phục đường băng dã chiến; chuẩn bị và bảo dưỡng các tuyến đường kết nối căn cứ, xây dựng bãi đỗ trực thăng, kiểm tra, khắc phục sự cố giao thông...

Bên cạnh đó, Đội cũng góp phần hỗ trợ nhân đạo, giúp các Phái bộ thực hiện nhiệm vụ gìn giữ và tái thiết hòa bình, đem lại cuộc sống bình an cho người dân các quốc gia châu Phi.

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/linh-mu-noi-xanh-viet-nam-day-hoc-o-chau-phi-a25931.html