Mùa xuân là Bác - Bác là mùa xuân!

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết “Một năm khởi đầu từ mùa xuân”. Với Người, mùa xuân có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước, dân tộc và từng người dân Việt Nam. Vì vậy, mỗi khi Tết đến Xuân về, Người đều dành những lời thơ hay nhất, những lời ân cần giản dị nhất mừng mùa Xuân mới. Mùa Xuân của Bác là niềm vui, niềm tin thắng lợi và vượt lên trên hết là tấm lòng của một vị lãnh tụ vĩ đại đối với nhân dân, với đất nước.

bh-voi-hn-cu-khanh-1674396418.jpeg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh (phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 30/01/1957. Ảnh tư liệu.

Ngay từ những ngày Xuân đầu tiên trở về Tổ quốc sau chặng đường dài hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu dân cứu nước, Bác đã bắt đầu làm thơ chúc Tết. Tết Nhâm Ngọ năm 1942, bài thơ “Chúc năm mới” của Bác được in trên Báo Việt Nam độc lập số 114, ngày 01/01/1942: 

“Chúc toàn quốc ta trong nǎm này
Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới!
Nǎm này là nǎm Tết vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới.”

Những vần thơ ấy đã nhen nhóm lên ngọn lửa của phong trào cách mạng, hứa hẹn thời cơ cách mạng thành công đang đến rất gần với nhân dân Việt Nam.

Hơn bốn năm sau, ngày 2/9/1945, non sông đã thu về một mối, Tổ quốc hoàn toàn thống nhất sau bao đêm dài cách trở. Hồ Chí Minh trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đêm Ba mươi Tết của mùa Xuân độc lập đầu tiên đó, Bác Hồ đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô "Tết mà không có Tết", Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt.
Cũng đêm Ba mươi Tết Bính Tuất đó, đúng giờ giao thừa, khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền khi khắp đất nước lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chính Người lại đang vui Xuân cùng nhân dân ở đền Ngọc Sơn, trong vai một cụ già cùng cháu đi hái lộc.

Lần đầu tiên sau “đêm trường nô lệ” nhân dân cả nước được nghe đọc thư chúc Tết của Bác Hồ: "Hỡi đồng bào cả nước!. Hôm nay là mùng một Tết năm Bính Tuất, ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tôi thay mặt Chính phủ chúc đồng bào năm mới muôn sự tốt lành".

Nhắc đến Người, hình ảnh của vị cha già kính yêu lại hiện hữu trong đôi mắt của bao thế hệ người dân Việt Nam.Đêm ba mươi Tết năm 1960,  Bác đến thăm gia đình mẹ con chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội.Cảnh nghèo của gia đình đã hiện ra trước mắt Bác. Trên chiếc bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một gói kẹo. Đúng là "Ba mươi Tết mà không có Tết". Vậy còn bao nhiêu gia đình như thế này ở khắp mọi miền đất nước?

Đêm ấy, trên đường về, ngồi trên xe, Bác Hồ trầm ngâm suy nghĩ. Vẻ đăm chiêu thoáng hiện trên gương mặt của Người. Bác đã từng tâm sự với các đồng chí phục vụ: "Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên".      

Là Chủ tịch nước, sứ mệnh của cả dân tộc đang đặt trên đôi vai Bác. Biết bao công việc bộn bề, vậy mà Bác vẫn dành thời gian để đến thăm những gia đình nghèo khổ khi năm cũ sắp qua - xuân mới đã về. Đó chính là tình thương yêu con người, là sự chăm lo ân cần của Bác đối với Nhân dân, đặc biệt là những người nghèo khổ, có hoàn cảnh bất hạnh. 

“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người”

Tết Mậu Thân năm 1968 đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Và bài thơ mừng Xuân 1968 của Bác như một hiệu lệnh tiến công:

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”

Mãnh liệt và truyền cảm, những câu thơ đã đem đến niềm xúc động cho đồng bào, chiến sĩ cả nước một lòng hướng về miền Nam ruột thịt, thân yêu. Và niềm hy vọng, niềm tin tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi mà Bác truyền cho cả dân tộc như kim chỉ nam, soi đường cho nhân dân ta cùng tiến lên đánh thắng giặc Mỹ, bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Ngay sau giây phút Bác Hồ đọc thơ chúc Tết, cả miền Nam nổi dậy tiến công như vũ bão, phá vỡ âm mưu xâm lược, và làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ.

Mừng Xuân Kỷ Dậu năm 1969, Người gửi thơ chúc Tết đồng bào, đồng chí bằng tất cả tình cảm và sự quan tâm, chia sẻ, động viên chân thành nhất. Đây cũng là bài thơ chúc Tết cuối cùng Bác gửi toàn dân, toàn quân ta:                                         

“Nǎm qua thắng lợi vẻ vang,
Nǎm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”

79 mùa Xuân của cuộc đời, Bác kính yêu đã dành trọn cho dân, cho nước. Xuyên suốt 22 bài thơ chúc Tết, Bác đã thể hiện trọn vẹn tinh thần lạc quan, ý chí quyết tâm mạnh mẽ cùng niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Người không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh phấn đấu quên mình cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Theo chân Người, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác, tổ chức chương trình thường niên với tên gọi "Tết Nhân ái" để động viên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống. Những “chiến sĩ áo đỏ”, sẵn sàng với sứ mệnh cống hiến không ngừng nghỉ vì hạnh phúc của nhân dân, để mỗi người dân Việt Nam “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Đã gần 55 năm kể từ khi Bác đi xa chúng ta không còn được nghe thơ chúc Tết của Người. Nhưng cứ mỗi độ Tết đến xuân về, trong thời khắc chuyển giao của đêm giao thừa, phút giây chờ mong nghe thơ chúc Tết của Bác đã trở thành ký ức không thể phai nhạt trong tâm khảm người dân Việt Nam.

Chào đón năm mới Quý Mão, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thiêng liêng, lời Bác Hồ chúc tết năm xưa như còn vang vọng mãi. Chúng con xin hứa với Bác sẽ hăng say, cố gắng cống hiến tuổi thanh xuân, góp phần chung tay xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như lời Người mong muốn.
 

TH

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/mua-xuan-la-bac-bac-la-mua-xuan-a25872.html