Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về những định hướng phát triển kinh tế, văn hóa của thành phố, nhất là trong thực hiện các dự án lớn, trọng điểm năm 2023.
Về dự án tâm điểm của Hà Nội năm nay là thực hiện thi côngđường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được xem là sẽ có nhiều khó khăn, khối lượng công việc lớn, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia, lớn bậc nhất hiện nay với nhiều nhiệm vụ, công đoạn và khối lượng công việc rất lớn. Với ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu, đi đầu của Thủ đô, theo sự chỉ đạo và tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội đã chủ động đề xuất, được Trung ương tin tưởng giao cho nhiệm vụ làm chủ đầu tư.
Dự án đã được Bộ Chính trị nêu rõ trong Nghị quyết 15, được Quốc hội thông qua chủ trương, xác định cụ thể tiến độ hoàn thành cơ bản năm 2026, đưa vào vận hành năm 2027.
"Có thể thấy, đây là nhiệm vụ chính trị được Trung ương giao phó cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô - một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề. Nhưng thành phố đã quyết tâm cao, vì dự án này không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng. Nói cách khác, Vành đai 4 là lời giải cho bài toán kết nối liên vùng bấy lâu nay", đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Dự án khi hoàn thành sẽ giúp giải quyết nhiều bất cập đang đặt ra của Thủ đô, nhất là giúp hoàn thiện hệ thống giao thông, khắc phục nạn ùn tắc đang rất khó khăn.
Dự án không những là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mà còn cả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045và mới đây là Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng chia sẻ: "Vành đai 4 còn là niềm mong đợi của đông đảo người dân. Vừa qua khi giải phóng mặt bằng, nhiều nhà đã đồng tình chưa nhận tiền nhưng vẫn bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho di chuyển mộ. Sự ủng hộ, đồng thuận của người dân là rất tích cực, có lẽ ít có dự án nào đạt được".
Nhận thức thống nhất, nên ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, 3 tỉnh, thành có dự án đi qua là Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã có sự thống nhất, chung sức, đồng lòng và ý chí quyết tâm cao. Đặc biệt, nhờ sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, đến nay, tình hình, tiến độ dự án cơ bản đạt yêu cầu.
Về các giải pháp lớn trong 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích văn hóa lịch sử mà thời gian gần đây thành phố đã có nhiều quyết sách, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng: "Hiện nay nguồn lực đầu tư, nhất là từ ngân sách nhà nước còn rất khó khăn,phải tránh đầu tư dàn trải. Do đó, Thành ủy Hà Nội cóquan điểm nhất quán trong lãnh đạo là luôn phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm đã quyết định chỉ đạo lựa chọn tập trung đầu tư vào 3 lĩnh vực này và xác định là rất cấp thiết, là tiềm năng, là lợi thế, động lực phát triển mới của Thủ đô nghìn năm văn hiến".
Bí thư Thành ủy Hà nội cho biết, cùng với chủ trương ưu tiên đầu tư cho văn hóa, thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Thành ủy Hà Nội nhanh chóng hoàn thiện ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. "Đây cũng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ thành phố nhằm hiện thực hóa những chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc; đặc biệt là nhằm khơi mở nguồn lực văn hóa nghìn năm của Thăng Long – Hà Nội, đặt văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, đưa văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho Thủ đô phát triển".
Dù mới ban hành nghị quyết, nhưng qua triển khai thực hiện, Nghị quyết đã đi vào đời sống, đem lại những kết quả rất khả quan. Chẳng hạn, trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 150 công trình y tế cơ sở; hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích (4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp Thành phố), riêng năm 2022 là 85 di tích; hoàn thành 143 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, riêng năm 2022 là 70 trường.
Về những giải pháp năm 2023, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trước nguy cơ lạm phát cao, suy thoái kinh tế, diễn biến dịch bệnh, tình hình chính trị thế giới...
Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy là các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở phải phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, thành phố sẽ tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là những nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó.
Thành ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương phải tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa theo Nghị quyết của Thành ủy gắn với phát triển thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch. Đối với ngành nông nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục tái cơ cấu và phát triển theo chiều sâu; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao...
Thành phố phấn đấu hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó cố gắng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 7% trở lên; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,5%...
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ủy, chính quyền tập trung cao độ thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa tạo sức bật mới cho sự phát triển của Thủ đô trước mắt và lâu dài. Đó là hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trong đó, thành phố sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Thành phố phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai. Đây phải là những cực tăng trưởng mới của thành phố, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn rất khó khăn, thậm chí là vùng trũng ở xung quanh.
"Thành phố cũng sẽ tập trung quy hoạch và đầu tư đưa một số huyện thành quận, trước mắt trong năm 2023 phấn đấu đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận.Bên cạnh đó, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, cố gắng sớm đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Quy hoạch, ban hành quy định để sớm triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ có sử dụng đất...", Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bi-thu-thanh-uy-ha-noi-dua-van-hoa-thuc-su-tro-thanh-nguon-luc-noi-sinh-cho-thu-do-phat-trien-a25870.html