Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, năm 2018, 2 Bộ đã có Bản ghi nhớ hợp tác về công nghệ biến đổi khí hậu do Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam) ký với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin truyền thông Hàn Quốc Yoo Yoong Min. Bản ghi nhớ này là cơ sở thúc đẩy hợp tác giữa hai bên để đóng góp vào lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu của mỗi nước.
Tại Hội nghị COP26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Với điều kiện Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển rất nhanh, mục tiêu này thực sự khó thực hiện.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng Việt Nam cần sản xuất nhiều hơn nữa điện năng cũng như vật liệu xây dựng. Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, đã có kế hoạch giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, xây dựng và một số lĩnh vực quan trọng khác.
Mới đây nhất, chính phủ Việt Nam và Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã có Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Thứ trưởng hy vọng 2 bên sẽ có những trao đổi, thảo luận để tăng cường hợp tác giữa hai nước nói chung và 2 Bộ nói riêng về việc chuyển đổi sang sản xuất năng lượng tái tạo và các công nghệ khác để lưu giữ, thu hồi carbon.
Về phía Hàn Quốc, ông Oh Tae-seok, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin truyền thông Hàn Quốc cho biết: Hàn Quốc đặt mục tiêu giảm 30% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050. Để đạt được những mục tiêu đó, không chỉ các cơ quan chính phủ mà cả doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp nhiều khó khăn.
Với một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh chóng như Việt Nam, việc hướng tới mục tiêu đạt Net zero vào năm 2050 cũng sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, việc hợp tác giữa 2 nước là hết sức cần thiết, để có thể chia sẻ và hợp tác về công nghệ nhằm đạt được mục tiêu của 2 quốc gia.
Hiện nay, chính phủ Hàn Quốc đã xúc tiến nhiều chính sách và chiến lược giảm phát thải carbon, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, chính phủ Hàn Quốc đang có nhiều chính sách nghiên cứu phát triển, mong rằng, trong tương lai, 2 quốc gia nói chung và 2 Bộ nói riêng sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa trong nhiều lĩnh vực.
Tại buổi gặp mặt, bà Ahn Ji Whan, Giám đốc Trung tâm Hàng đầu Khoáng hóa Carbon, Bộ Khoa học và ICT, Hàn Quốc đã chỉ rõ kết quả thực hiện hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật thuộc tài trợ của Mạng Lưới và Trung Tâm Công nghệ Khí hậu (CTCN) thuộc Công Ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCC) và phương án thương mại hóa.
Dự án trên có đề tài là “Nghiên cứu khả thi Khoáng hóa Cacbon bằng cách sử dụng CO2 cấp từ nhà máy nhiệt điện than để tái chế tro xỉ Nhà máy điện than Cao Ngạn (Công nghệ khoáng hóa Cacbon ứng phó với biến đổi khí hậu)”.
Bà đã thông báo kết quả nghiên cứu và tính khả thi dự án CTCN và tư vấn chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Ngoài ra, TS. Ahn cũng chia sẻ về công nghệ xi măng “xanh” CSA, đây là công nghệ đã được UNFCC cấp chứng nhận là công nghệ tiêu chuẩn trong việc giảm phát thải CO2.
Do đó, việc chuyển giao công nghệ này cho phía Việt Nam có thể giúp chính phủ hai nước chia sẻ tín chỉ giảm phát thải CO2 đáp ứng nhu cầu giảm phát thải CO2 giai đoạn 1 vào năm 2030 và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050.
Đồng thời, bà cũng mong muốn lãnh đạo hai Bộ tạo điều kiện về cơ chế thúc đẩy dự án ODA xanh cho Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, cũng như tư vấn đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho việc chuyển giao lại công nghệ khoáng hóa carbon cho Viện.
Cũng tại buổi gặp mặt, dưới sự chứng kiến của 2 Bộ, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu với Trung tâm Hàng đầu Khoáng hóa Carbon thuộc Bộ Khoa học và ICT, Hàn Quốc.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/viet-nam-han-quoc-thuc-day-hop-tac-ve-cong-nghe-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-a25775.html