Tết là dịp mọi người được nghỉ ngơi, tụ họp gia đình, gặp gỡ bạn bè... nên không tránh khỏi các bữa ăn uống linh đình với rượu bia. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các ca nhập viện cấp cứu dịp Tết. Trong đó, có những ca bị viêm tụy cấp do bia rượu, để lại hậu quả rất nặng nề.
Tốn hàng trăm triệu đồng điều trị
BSCKII Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc - Bệnh viện Bình Dân (TP HCM), nói hằng năm cứ vào dịp Tết, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp viêm tụy cấp do lạm dụng rượu bia.
Theo bác sĩ Phương, viêm tụy có 3 thể gồm nhẹ, trung bình và nặng. Những trường hợp bị từ trung bình đến nặng phải nhập khoa hồi sức tích cực (ICU), chi phí điều trị rất tốn kém do phải nằm điều trị dài ngày, kết hợp nhiều phương pháp. "Chưa kể, các ca bệnh nằm điều trị ICU phải lọc máu nên chi phí điều trị mỗi ngày vài chục triệu đồng. Có nhiều ca phải điều trị dài ngày, tổng chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng" - BS Phương cảnh báo.
Bệnh viện Bình Dân đã điều trị cho bệnh nhân Đ.T (55 tuổi, ngụ Tiền Giang) bị viêm tụy cấp do uống quá nhiều rượu. Bệnh nhân cho biết mỗi ngày đều uống rượu lâu dần thành thói quen. Tuy nhiên, dịp lễ, Tết vì vui nên tần suất uống rượu nhiều hơn. Hậu quả, ông T. phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, hoại tử một phần tụy. Sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị suy thận cấp, các bác sĩ phải chỉ định lọc máu liên tục.
Sau 28 ngày điều trị tích cực, ông T. đã được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, bệnh nhân phải tái khám và tuyệt đối không sử dụng rượu bia để tránh bệnh tái phát.
Tương tự, bệnh nhân T.T.T (37 tuổi, ngụ Long An) sau cuộc nhậu với bạn bè gần đây đã bị đau bụng nhiều, kèm nôn ói, bụng trướng nên được gia đình đưa đi cấp cứu.
Tại Bệnh viện Bình Dân, anh T. được chụp CT bụng, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy có viêm tụy hoại tử nặng, bụng trướng nhiều hơi. Xét nghiệm máu ghi nhận anh T. bị cô đặc máu, có tổn thương thận cấp và nhiễm khuẩn huyết kết hợp. Dù được truyền kháng sinh nhưng tình trạng bệnh không cải thiện, chức năng thận xấu dần, máu vẫn cô đặc, cơn đau còn vật vã nên anh T. được lọc máu.
Sau 1 ngày hậu phẫu và lọc máu, tình trạng anh T. cải thiện rõ, chức năng thận trở về bình thường, không còn cô đặc máu. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân thoát cơn nguy kịch.
Bệnh nhân viêm tụy do sử dụng rượu bia được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Bình Dân
Bệnh do bia rượu: Khó hồi phục, dễ tái phát
BSCKI Đặng Khôi Nguyên, Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), lưu ý sau cuộc ăn uống linh đình và có sử dụng rượu bia nhiều, nếu xuất hiện các dấu hiệu như đau bụng trên rốn, mức độ đau dữ dội kèm nôn nhiều, dù không ăn cũng buồn nôn, sau khi nôn cơn đau không giảm thì cần lưu ý đến viêm tụy. "Tình trạng rối loạn tiêu hóa nếu sau nôn ói sẽ cảm giác nhẹ nhàng nhưng đối với viêm tụy đau vẫn kéo dài. Nặng hơn, người bệnh sẽ khó thở, mệt mỏi, li bì… Do đó, cần nhập viện ngay khi xuất hiện những triệu chứng ban đầu để được điều trị kịp thời" - BS Nguyên nói.
BS Nguyên cảnh báo viêm tụy do bia rượu có thể gây ra những biến chứng rất nặng nề như suy đa cơ quan, suy thận, tổn thương tim… nguy hiểm tính mạng.
BS Nguyên cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng sử dụng rượu bia của người dân Việt Nam. Bệnh viện Lê Văn Thịnh hầu như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân nhập viện điều trị do bia rượu. Vào những ngày lễ, Tết, ca bệnh tăng mạnh. Trong đó, thường thấy nhất là các trường hợp bị chấn thương do tai nạn giao thông. Đặc biệt, nếu sử dụng rượu không bảo đảm thì còn bị ngộ độc rượu. Ngoài ra, uống nhiều rượu bia còn còn gây ảnh hưởng chức năng gan gây viêm gan, lâu dài dẫn đến xơ gan...
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của trên 200 loại bệnh tật, chấn thương. Đặc biệt, với những đối tượng mắc bệnh không lây như tim mạch, đái tháo đường, ung thư..., việc lạm dụng rượu bia có thể gây tử vong.
"Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ mà biến chứng do bia rượu gây nên các loại bệnh khiến chi phí điều trị rất tốn kém" - BS Nguyên nhấn mạnh.
Theo BS Nguyễn Thanh Phương, uống rượu bia không có ngưỡng nào là an toàn. Do đó, cần hạn chế bia rượu, đặc biệt vào ngày Tết, tránh để xảy ra các biến chứng vì bia rượu. Bởi một khi đã mắc bệnh thì khả năng bệnh sẽ tái phát cao. "Khi đã mắc viêm tụy, phải vào điều trị tại khu hồi sức tích cực thì dù đã được xuất viện cũng mất rất nhiều thời gian hồi phục. Không chỉ vậy, người bệnh có nguy cơ tái phát nếu sử dụng lại rượu bia. Đặc biệt, một số trường hợp viêm tụy mạn tính sẽ gây mệt mỏi, hay đau vùng bụng, không thể trở về cuộc sống bình thường" - BS Phương nói.
BS Đặng Khôi Nguyên cho biết m không thể có bí quyết phòng tránh các biến chứng với người uống quá nhiều rượu bia dù là người đang mắc bệnh hay người khỏe mạnh bình thường.
Uống rượu bia đúng cách
Theo các bác sĩ, không nên uống rượu bia lúc đói vì làm tăng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày.
Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước quả, nước súp, nước canh và đặc biệt là ăn rau xanh nhằm làm giảm nồng độ cồn của rượu.
Nên ăn thức ăn giàu protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.
Không nên uống một lượng lớn bia rượu trong thời gian ngắn, nên uống chậm và từ từ để cơ thể chuyển hóa.
Phải luôn bảo đảm rượu bia rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng để tránh ngộ độc.
Ngừng tim, phổi do ngộ độc rượu
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (61 tuổi, ở Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng ngừng tim, phổi. Theo người nhà, bệnh nhân uống rượu thường xuyên và gia đình không kiểm soát được.
Bệnh nhân được hồi sinh tim, phổi, đặt ống nội khí quản, thở máy. Sau khi tim đập lại, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức nội và chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) mức độ nặng. Sau 1 tuần được điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và không để lại di chứng gì.
Bài và ảnh: HẢI YẾN
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/viem-tuy-cap-benh-cua-mua-tet-a25582.html