Hơn 1,3 triệu lượt lao động được thụ hưởng chương trình phúc lợi cho công đoàn viên

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc triển khai các giải pháp chủ động thực hiện và đề xuất thực hiện bảo đảm việc làm, chăm lo đời sống và an sinh xã hội cho người lao động trong dịp Tết.

Chú thích ảnh Người lao động mua sắm tại Chợ Tết công đoàn 2023 với nhiều mặt hàng được giảm giá từ 20-50%.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, từ chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với sự tham gia của 4.500 lao động, do Tổng Liên đoàn lao động tổ chức tại Bắc Giang và trực tuyến tại 63 điểm cầu tại các tỉnh , thành; đồng thời các cấp công đoàn đã tham gia tổ chức 151 cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền với công nhân, viên chức lao động. Từ các cuộc đối thoại, 1.865 kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, người lao động được giải pháp, qua đó góp phần quan trọng xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách tại địa phương, đơn vị.

Tổng Liên đoàn tiếp tục làm việc, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất những giải pháp mới; đã có thêm 9 địa phương có văn bản giới thiệu, chấp thuận địa điểm xây dựng thiết chế công đoàn; Tổng Liên đoàn đã ban hành các Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư công trình văn hóa thể thao thuộc quy hoạch khu thiết chế Công đoàn tại 4 địa phương, chuẩn bị đầu tư dự án tại 11 địa phương; đã tổ chức ký quy chế phối hợp xây dựng thiết chế công đoàn với 14 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chương trình phúc lợi cho đoàn viên, người lao động tiếp tục được công đoàn thực hiện, củng cố quan hệ gắn kết giữa đoàn viên và tổ chức công đoàn. Trong năm 2022, đã có hơn 1,3 triệu lượt người lao động được thụ hưởng từ Chương trình phcus lợi cho đoàn viên công đoàn với số tiền trên 26,4 tỷ đồng; hơn 2,2 triệu lượt người lao động được tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, hội diễn văn nghệ do công đoàn tổ chức.

Để chăm lo đời sống người lao động, trong dịp Tết Quý Mão 2023 đang cận kề, các cấp công đoàn cần nắm đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động; nhu cầu tiếp tục tìm kiếm việc làm, học nghề, chuyển đổi nghề hoặc về quê của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động; các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, có chủ bỏ trốn dẫn đến nợ lương, nợ BHXH, BHYT, BHTN.

Các cấp công đoàn chủ động phối hợp với các tổ chức đại diện, hiệp hội người sử dụng lao động đề xuất với tỉnh, thành ủy, cấp ủy, UBND tỉnh, thành phố, chính quyền và chuyên môn cùng cấp triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động; có các chính sách hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhất là lao động nữ, trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ, lao động từ 35 tuổi trở lên, lao động có hoàn cảnh khó khăn… bị giảm giờ làm, mất việc làm.

Các cấp công đoàn tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, người lao động, tổ chức công đoàn để trao đổi, thảo luận tình hình khó khăn của doanh nghiệp, người lao động và lắng nghe, kiến nghị từ các bên để đưa ra các giải pháp khắc phục, vượt qua khó khăn; tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp đối với người lao động, đặc biệt là việc xây dựng, thực hiện phương án sử dụng lao động, chi trả chế độ đối với người lao động trong trường hợp phải chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều người lao động.

Tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động bị mất việc làm; kết nối các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, cùng địa phương, khu vực có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động. Tổ chức các hoạt động chăm lo kịp thời từ nguồn hỗ trợ của các cấp chính quyền và nguồn xã hội hóa đối với người lao động bị mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các địa phương, đơn vị có nhiều đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm căn cứ nguồn lực tài chính công đoàn để thực hiện hỗ trợ phù hợp cho đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn mà bị giảm giờ làm việc hoặc đang ngừng việc có hưởng lương mà tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; nghỉ việc không hưởng tiền lương hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà không có tiền lương, thu nhập; bị chấm dứt hợp đồng lao động...

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hon-13-trieu-luot-lao-dong-duoc-thu-huong-chuong-trinh-phuc-loi-cho-cong-doan-vien-a25393.html