TP Hồ Chí Minh: Tăng cường kiểm soát, ngăn thực phẩm bẩn cuối năm

Lợi dụng nhu cầu mua sắm thực phẩm của người dân tăng cao vào thời điểm cận Tết, các chợ tự phát xung quanh các chợ lẻ, chở đầu mối cũng "mọc" lên, kéo theo đó là các mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm được bán tràn lan tại đây.

Khó kiểm soát chợ tự phát

Sau dịch bệnh COVID-19, hiện tượng kinh doanh tự phát “bùng nổ” xung quanh các khu vực chợ đầu mối và chợ truyền thống, ẩn chứa nhiều nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Đáng lo ngại, các chợ tự phát này càng hoạt động mạnh hơn vào thời điểm cận Tết.

Chú thích ảnh Những thực phẩm bán tại các chợ tự phát xung quanh các chợ đầu mối không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn cho biết, từ đầu tháng chạp đến nay, lượng hàng hóa về chợ tăng 20% so với những tháng trước đó. Công tác an toàn thực phẩm trong chợ đã được kiểm soát khá chặt chẽ. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đó là xung quanh khu vực bên ngoài chợ xuất hiện ngày càng nhiều các điểm kinh doanh tự phát, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc kinh doanh các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các tuyến đường xung quanh chợ đã gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của thương nhân trong chợ.

“Qua thống kê, xung quanh chợ, hiện có 190 điểm kinh doanh tự phát tại 5 con đường: Nguyễn Thị Sốc, quốc lộ 22, đường số 4, đường số 3, đường số 12 dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, gây cản trở giao thông, không đảm bảo an toàn thực phẩm, gây nhiều bức xúc cho thương nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm”, ông Lê Văn Tiển thông tin.

Chú thích ảnh Bình quân mỗi ngày tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức có 2.523 tấn rau, trái cây và hoa tươi nhập chợ.

Tình trạng trên cũng diễn ra tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Ông Nguyễn Tấn Quang Vinh, Giám đốc kinh doanh Công ty CP quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, một số thương nhân không nhập hàng vào ô vựa mà nhập về các hộ kinh doanh xung quanh chợ, bên ngoài phạm vi kiểm soát của chợ để tránh việc kiểm soát của công ty đối với sơ chế tại nguồn.

Do chợ có không gian mở sát với khu dân cư, có nhiều ngõ ra vào nên việc giám sát, quản lý nhập hàng của các thương nhân không thể đạt hiệu quả cao. Vì thế, theo ông Quang Vinh, các trường hợp hàng hóa chưa sơ chế này rất khó xử lý vì họ sẽ chia nhỏ lượng hàng để chuyển vào ô vựa của mình.

Theo Ban Quản lý chợ An Nhơn (quận Gò Vấp), đơn vị đã thành lập tổ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và tổ chức tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát tiểu thương chấp hành tốt luật an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc hàng hóa nhập vào chợ thông qua việc chấp hành sổ ghi chép, lưu trữ hóa đơn, chứng từ sản phẩm kinh doanh.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đó là các điểm tự phát và các hộ dân khu vực giáp ranh chợ cho thuê mặt bằng kinh doanh trên vỉa hè, buôn bán đủ các mặt hàng, kể cả các ngành hàng kinh doanh có điều kiện. “Vì thế, đơn vị phải luôn thường xuyên kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, một mặt vừa đảm bảo công bằng trong và ngoài khuôn viên chợ, vừa tạo điều kiện để tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống bám trụ tại chợ lâu dài”, đại diện Ban Quản lý chợ An Nhơn chia sẻ.

Nhìn nhận thực tế, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, sau dịch COVID-19 vấn nạn buôn bán tự phát xung quanh các chợ đầu mối tăng cao và rất khó kiểm soát. Khi thấy đoàn kiểm tra thì những người bán tại các chợ tự phát bỏ chạy, đây là sự không công bằng cho những tiểu thương buôn bán hợp pháp, trong khi những tiểu thương buôn bán trong chợ phải chịu sự kiểm soát về chất lượng và đóng thuế. Do đó, vấn đề này đòi hỏi có có sự kiểm soát chặt hơn trong thời gian tới.

Tăng cường thanh kiểm tra

Chú thích ảnh Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm kiểm tra tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.

Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức,  ông Nguyễn Tấn Quang Vinh cho biết, để đảm bảo an toàn thực phẩm, Tổ kiểm soát an toàn thực phẩm phối hợp Đội 2 Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh thường xuyên kiểm tra sổ ghi chép nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, vệ sinh môi trường, nhắc nhở việc không sử dụng các hóa chất, chất bảo quản, chất phụ gia ngâm, tẩy trên trái cây, rau củ quả gây độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các xe nhập chợ đều phải thực hiện đăng ký xuống hàng, kê khai lượng hàng nhập chợ và thông tin nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt là đối với sản phẩm thịt heo tươi sống, hàng đêm đều có lực lượng kiểm tra từng xe hàng, heo nhập chợ đều phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc, xe đều phải có niêm phong trước khi lực lượng chức năng kiểm tra.

Chú thích ảnh Các mặt hàng phục vụ Tết đang tấp nập về các chợ đầu mối. 

Về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán năm 2023, Ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cho biết, đơn vị đã ban hành kế hoạch đảm bảo ổn định tình hình kinh doanh trên địa bàn chợ trước, trong và sau Tết Quý Mão năm 2023, trong đó tập trung kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh của các tiểu thương trong chợ, kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm nhập chợ đối với tất cả các hộ kinh doanh thực phẩm, đặc biệt các sản phẩm phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán như: bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, giò, chả, thịt, trái cây, rau, củ quả... Song song đó, Ban quản lý chợ còn kiểm tra chất lượng hàng hóa bằng cảm quan hoặc tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm nhanh, gửi mẫu định lượng các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm bày bán tại chợ.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán năm 2023 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đơn vị cũng đặc biệt đặc biệt chú trọng 2 mảng công tác gồm tuyên truyền và thanh tra. Theo đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố đã thành lập 11 đoàn kiểm tra kiểm tra các mặt hàng thực phẩm trong dịp Tết, từ ngày 19/12/2022 đến hết ngày 12/3/2023. Trong đó, tập trung vào những cơ cở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết và các cơ sở dịch vụ ăn uống về việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; chú trọng kiểm tra về điều kiện của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ…

“Công tác đang được tiến hành ráo riết và gần như toàn bộ lực lượng thực hiện. Khoảng 1 - 2 tháng trước Tết, đơn vị tập trung vào khâu sản xuất, đặc biệt là kho lạnh, kho lưu trữ nguyên vật liệu để làm các thực phẩm chế biến sử dụng nhiều trong Tết như bánh, mứt, kẹo, thịt, giò chả. Thời gian cận Tết, tập trung vào khâu phân phối như siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích…”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng khuyến cáo, người dân cần lưu ý mua thực phẩm ở nơi uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hỉ nên mua thực phẩm vừa đủ sử dụng để bảo đảm bảo quản chất lượng thực phẩm được an toàn bởi hiện nay, các chợ truyền thông và siêu thị kinh doanh thường xuyên, chỉ nghỉ 1 - 2 ngày trong dịp Tết.

Bài và ảnh: Đan Phương/ Báo Tin tức

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tp-ho-chi-minh-tang-cuong-kiem-soat-ngan-thuc-pham-ban-cuoi-nam-a25085.html