Theo Tổng cục Hải quan, năm 2022, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa giả mạo xuất xứ, nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phức tạp trên tất cả các tuyến đường bộ, đường biển, đường không, chuyển phát nhanh. Một trong những phương thức thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng địa hình đường biên sát khu dân cư có nhiều đường mòn, lối mở, các đầu nậu thuê cửu vạn vác hàng qua biên giới rồi dùng xe máy vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào các khu vực chợ, bến xe, sau đó vận chuyển nhỏ lẻ đưa lên các xe container, xe tải nhỏ, xe khách chạy tuyến. Hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy cũng diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng hình thức như đóng gói, vận chuyển, mua bán, ngụy trang giả dạng dưới hình thức hàng hóa, hành lý thông thường, giao dịch qua các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội, sau đó sử dụng dịch vụ chuyển phát bưu chính quốc tế và dịch vụ giao nhận hàng (shipper) nội địa để né tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng...
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, từ ngày 16-12-2021 đến 15-12-2022, toàn ngành đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 16.801 vụ việc vi phạm, tăng 15%, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 8.450 tỷ đồng, tăng 211% so với cùng kỳ năm 2021; số thu ngân sách nhà nước đạt 459 tỷ đồng, tăng 57,9%. Cơ quan hải quan khởi tố 48 vụ, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 141 vụ.
Đối với đấu tranh tội phạm ma túy năm 2022, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ 280 vụ, 245 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 153 vụ. Tang vật thu được gồm: 164,9kg và 28 bánh hêrôin; 145,9kg cần sa; 51kg thuốc phiện…
Hiện đang là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ cao về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hàng nhập khẩu phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết như rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, thực phẩm... Vì vậy, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, cần tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng trên, đồng thời xử phạt nặng đối tượng vi phạm để răn đe.
Về vấn đề trên, Tổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị liên quan cần tổ chức đấu tranh, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu, chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, nhất là hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe người tiêu dùng.
Đặc biệt, các đơn vị tập trung trọng tâm, trọng điểm các loại hàng hóa như hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán theo các tuyến, mặt hàng, loại hình như: Thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát đối với phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sông, đường biển, các lô hàng nhập khẩu để chủ động phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời những vụ việc vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới tại một số địa bàn trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Thanh Hóa…
Các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát mặt hàng trọng điểm như bánh kẹo, rau, củ quả, thuốc Bắc, gia vị thực phẩm, quần áo, giày dép; tập trung kiểm tra, kiểm soát mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ chơi trẻ em, vật tư y tế, điện tử, điện thoại di động, vàng, ngoại tệ, rượu bia, sữa, bánh kẹo; kiểm soát chặt chẽ mặt hàng động thực vật hoang dã, lợn, trâu, bò, thuốc lá...
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động trung chuyển, quá cảnh, gửi kho ngoại quan đối với các loại hàng hóa như thực phẩm, hàng điện tử, hàng tiêu dùng rượu, bia, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng…
Theo Hà Nội mới
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/cao-diem-chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-a25020.html