4 luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023

4 luật có hiệu lực thi hành từ 1/1 gồm: Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Cảnh sát cơ động, Luật sửa đổi bổ sung Luật sở hữu trí tuệ và Luật Điện ảnh.

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thay thế Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 và Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010.

Luật Kinh doanh bảo hiểm mới thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp.

Luật kinh doanh Bảo hiểm tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phát triển sản phẩm. Ảnh: Tư liệu

Luật kinh doanh Bảo hiểm tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phát triển sản phẩm. Ảnh: Tư liệu

Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, quản trị lành mạnh phát triển; kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro.

Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng đưa ra các quy định tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin và giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường sự chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm.

Luật Cảnh sát cơ động thay thế Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013, gồm 5 Chương 33 Điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với Cảnh sát cơ động.

Trong đó, Luật tiếp tục khẳng định và làm rõ chức năng của Cảnh sát cơ động trong việc làm "nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội".

Luật Cảnh sát cơ động quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động

Luật Cảnh sát cơ động quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động

Luật Cảnh sát cơ động quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động, xác định nhiệm vụ chính của Cảnh sát cơ động là "sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố".

Bên cạnh đó, Luật Cảnh sát cơ động cũng có nhiều điểm mới về tổ chức lực lượng cảnh sát cơ động, như bổ sung lực lượng kỵ binh, trung đoàn không quân Công an nhân dân,…

Luật cũng bổ sung một số thẩm quyền cho lực lượng Cảnh sát cơ động như được phép ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các thiết bị bay siêu nhẹ, được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách.

Luật sửa đổi bổ sung Luật sở hữu trí tuệ được Quốc hội khóa XV thông qua vào kỳ họp thứ 3, ngày 16/6/2022.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, trừ quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022, trong khi quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2024.

Nội dung sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, gồm: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao Quyền tác giả (QTG), Quyền liên quan đến quyền tác giả (QLQ);

Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước;

Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký QTG, QLQ, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

Luật Điện ảnh năm 2022, kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006.

Luật Điện ảnh năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 và có 10 điểm mới cơ bản phù hợp với yêu cầu của thực tiễn gồm:

Luật Điện ảnh quy định việc phân loại độ tuổi và hiển thị mức phân loại phim. Ảnh: Hà Nội Mới

Luật Điện ảnh quy định việc phân loại độ tuổi và hiển thị mức phân loại phim. Ảnh: Hà Nội Mới

Sửa đổi, bổ sung khái niệm "Phim"; Khuyến khích tăng cường, xã hội hóa hoạt động điện ảnh; Quy định chi tiết, cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh;

Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện dưới ba hình thức; Quy định mới chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam;

Luật không quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Quy định việc phân loại độ tuổi và hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo nội dung phim;

Thời hạn lưu chiếu đối với phim nhập khẩu căn cứ theo thời hạn bản quyền phổ biến tại Việt Nam; Mở rộng chủ thể được tổ chức liên hoan phim; Luật bổ sung và làm rõ thêm mục đích của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Theo VietNamNet

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/4-luat-co-hieu-luc-thi-hanh-tu-112023-a24966.html