Việt Nam có chất lượng điều trị HIV/AIDS trong tốp đầu thế giới

Việt Nam là một trong tốp 4 quốc gia có chất lượng điều trị ARV cao nhất thế giới, với tỉ lệ bệnh nhân có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế luôn được duy trì cao. Từ năm 2018 đến nay tỉ lệ này luôn duy trì trên 95%, và tỉ lệ HIV kháng thuốc mắc phải ở mức thấp dưới 5% (năm 2020).

Điều trị ARV được bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ năm 2000 tại TPHCM. Sau đó, được mở rộng từ năm 2005 và không ngừng phát triển theo các năm. Đến cuối năm 2022, toàn quốc đã có 499 cơ sở điều trị ARV, điều trị cho gần 170.000 người nhiễm, trong đó có 3.450 trẻ em.

a51566-1672049759898401750665-1672106333104-16721063342601992920323-1672399881.jpeg
Thăm khám cho bệnh nhân HIV - Ảnh: VGP/Kim Thoa

Để có thành tựu này, Việt Nam đã luôn cập nhật kịp thời các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bộ Y tế đã liên tiếp nâng tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV cho người lớn nhiễm HIV.

Cụ thể, giai đoạn 2005 - 2009, bắt đầu được điều trị ARV ở mức CD4≤200 TB/mm3; Giai đoạn 2009-2011, ở mức CD4<250 TB/mm3; Giai đoạn 2011-2014 bắt đầu điều trị ARV ở mức CD4<350 TB/mm3 và điều trị ngay, không phụ thuộc số lượng tế bào CD4 ở giai đoạn III và IV; Giai đoạn 2015-2017, bắt đầu điều trị ARV ở mức CD4<500 TB/mm3 và điều trị ngay ở một số nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Từ năm 2017 đến nay người nhiễm HIV được điều trị ARV ngay sau khi được chẩn đoán, không phụ thuộc giai đoạn giảm miễn dịch và lâm sàng. Đây là yếu tố quan trọng để mở rộng độ bao phủ bệnh nhân được điều trị ARV mà ít quốc gia trong cùng điều kiện áp dụng.

Vào năm 2000, ban đầu mới chỉ có từ 3 đến 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS, tuy nhiên đến nay Việt Nam đã có 499 cơ sở. Trong đó, có 8 cơ sở điều trị tại tuyến Trung ương; 77 cở sở tuyến tỉnh, thành phố; tại 37 trại giam, số còn lại thuộc cơ sở tuyến huyện, tại trung tâm 06, cơ sở tôn giáo và các phòng khám tư nhân.

Song song với việc mở rộng cơ sở điều trị với độ bao phủ đến tuyến huyện và xã để thuận lợi cho việc người bệnh tiếp cận và tuân thủ điều trị, nhiều mô hình chăm sóc điều trị được triển khai như: Mô hình Treatment 2.0 (đưa dịch vụ điều trị về tuyến xã); điều trị trong ngày có nghĩa là cùng ngày với ngày chẩn đoán nhiễm HIV, cấp pháp thuốc nhiều tháng thay vì hàng tháng bệnh nhân đến khám và nhận thuốc, lồng ghép dịch vụ tư vấn xét nghiệm-điều trị ARV, lồng ghép dịch vụ HIV/lao, HIV/viêm gan virus.

Phác đồ điều trị ARV cũng luôn được cập nhật, với việc loại bỏ các thuốc nhiều tác dụng không mong muốn, thay thế bằng thuốc có tác dụng và hiệu quả hơn. Từ năm 2020, Việt Nam đã thực hiện phác đồ ARV tối ưu theo khuyến cáo của WHO. Hiện nay, có gần 80% bệnh nhân sử dụng phác đồ tối ưu, bao gồm cả điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Điều đáng nói là phác đồ này cũng đã được bảo hiểm y tế chi trả nên bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế cũng được bảo đảm điều trị với chất lượng tốt nhất.

Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV là một trong các ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS. Với việc mở rộng và sử dụng phác đồ ARV tối ưu, số trẻ nhiễm HIV từ mẹ đang giảm mạnh, từ 1.500 trẻ năm 2012 xuống còn hơn 600 trẻ những năm gần đây; tỉ lệ trẻ có kết quả chẩn đoán nhiễm HIV bằng CPR giảm mạnh từ 7,4% năm 2012 xuống 2,1 năm 2022.

Việc mở rộng điều trị ARV với chất lượng cao như trên đã góp phần quan trọng trong việc giảm số người tử vong do AIDS, giảm số nhiễm mới. Trong những năm 2007- 2009 số ca nhiễm HIV báo cáo tử vong hàng năm khoảng 7.000 đến 10.000 ca, số phát hiện nhiễm mới 25.000 – 30.000 người, đến nay số ca tử vong báo cáo khoảng 1.000-2.000 ca tử vong và 10.000 – 13.000 người nhiễm mỗi năm, giữ vững tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,03%.

 

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/viet-nam-co-chat-luong-dieu-tri-hivaids-trong-top-dau-the-gioi-a24902.html