Ca COVID-19 mới và bệnh nhân nặng tăng
Bộ Y tế cho biết, ngày 29/12 có 234 ca mắc mới COVID-19, tăng hơn 100 ca so với ngày trước đó. Cũng trong ngày 29/12, bệnh nhân COVID-19 nặng gia tăng, tuy nhiên đây là ngày thứ 4 liên tiếp không ghi nhận bệnh nhân tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.525.013 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.469 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 10.611.114 ca. Trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 35 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 21 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 4 ca, Thở máy xâm lấn: 10 ca.
Ca COVID-19 mới và bệnh nhân nặng tăng.
Dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Ngày 2/12, WHO cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron, có khả năng lây truyền cao và tránh được hệ miễn dịch. Tổ chức này đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Bộ Y tế yêu cầu cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.
Nhiều tỉnh, thành đang tiêm mũi 3, tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thấp
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay tổng số vaccine COVID-19 đã tiêm trên toàn quốc ở nước ta là 265.456.994.
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên:
- Tiêm mũi 3: Tổng số có 51.669.190 mũi tiêm (80,1%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (62,8%); Bình Định (60,4%); Phú Yên (62,3%); Đồng Nai (53,8%); Đồng Tháp (60%).
6 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm cao: Thanh Hóa (96,8%); Bắc Giang (98,1%); Quảng Ninh (96,8%) Nghệ An (100%); Lào Cai (97,1%); Sóc Trăng (100,4%).
- Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.279.004 mũi tiêm (86,9%).
Nhóm từ 12 - dưới 18 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.778.550 mũi tiêm (68,5%)
5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Phú Yên (48,4%); Bình Thuận (44,1%); TP. HCM (36,4%); Đồng Nai (43%).
3 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Sóc Trăng (103,5%); Bến Tre (94,9%).
Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.381.750 mũi tiêm:
- Mũi 1: 10.233.731 mũi tiêm (92,6%) tăng 0,1%
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,2%); Quảng Trị (78,8%); Đà Nẵng (68,4%); TP HCM (64,5%), Bà Rịa- Vũng Tàu (73,3%)
- Mũi 2: 8.148.019 mũi tiêm (73,7%) tăng 0,1%
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (55,7%); Đà Nẵng (36,8%); Quảng Nam (49%); TP HCM (40,6%), Bà Rịa - Vũng Tàu (44,6%).
Theo WHO, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên Bộ Y tế cho hay mặc dù công tác truyền thông về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 liên tục được đẩy mạnh và duy trì nhưng vẫn còn một bộ phận lớn người dân vẫn chưa ủng hộ và đồng thuận tiêm chủng do lo ngại về tác dụng phụ, phản ứng sau tiêm, chất lượng và hiệu quả của vaccine. Tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên tại một số tỉnh, thành phố còn thấp.
Hiện có khoảng 13 triệu người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm đối tượng cần tiêm bổ sung đã được tiêm mũi bổ sung, trong đó nhiều người không tiếp tục đi tiêm mũi nhắc lần 1 vì cho rằng chỉ cần tiêm 3 mũi là đủ.
Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu cơ quan chuyên môn chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên và tăng cường tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Chính phủ Anh và UNICEF hỗ trợ trang thiết bị y tế trị giá 500.000 bảng Anh cho Việt Nam
Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã trao tặng trang thiết bị y tế trị giá 500.000 bảng Anh cho Bộ Y tế Việt Nam nhằm hỗ trợ phục hồi hệ thống y tế.
Trang thiết bị do Chính phủ Anh tài trợ thông qua UNICEF trong tháng 12/2022, bao gồm 500 máy theo dõi bệnh nhân và 500 bơm tiêm điện tự động. Bộ Y tế sẽ sớm phân bổ trang thiết bị đến các bệnh viện và cơ sở y tế có nhu cầu trên cả nước. Sự hỗ trợ này thể hiện tình hữu nghị, đồng thời hy vọng góp một phần nhỏ vào công cuộc phục hồi sau đại dịch của Việt Nam.
Nhân dip này, Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Iain Frew bày tỏ: "Tôi hy vọng những trang thiết bị y tế này thể hiện được sự hỗ trợ lâu dài và thiết thực về cả tinh thần của Vương quốc Anh dành cho các bệnh nhân và y bác sĩ Việt Nam tại những khu vực dễ bị tổn thương nhất nhằm vượt qua khó khăn, đặc biệt là về y tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam để củng cố và hỗ trợ phục hồi hệ thống và dịch vụ y tế tại Việt Nam".
Quyền Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam, ông Ziad Nabulsi nhấn mạnh: "Các thiết bị do Chính phủ Anh hỗ trợ sẽ góp phần to lớn vào nỗ lực không ngừng giữ cho Việt Nam an toàn trước sự bùng phát của COVID-19 cũng như củng cố hệ thống y tế hậu COVID. Mặc dù hệ thống y tế của Việt Nam đã dần được cải thiện, thể hiện rõ qua khả năng ứng phó mạnh mẽ với COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn cần sự hỗ trợ từ các đối tác – đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa và vùng khó tiếp cận. UNICEF cùng với các đối tác sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ củng cố hệ thống y tế của Việt Nam".
Theo Sức khỏe Đời sống