Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao các kết quả ấn tượng của Cục Biến đổi khí hậu trong năm 2022, đặc biệt là trong việc xây dựng và trình các văn bản rất quan trọng về biến đổi khí hậu.
Để triển khai các nhiệm vụ ngày càng nặng nề trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Lê Công Thành đặc biệt nhấn mạnh, Cục Biến đổi khí hậu cần chú trọng vấn đề đào tạo nâng cao nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ về quản lý Nhà nước, không chỉ đội ngũ trong Cục mà cả đội ngũ cán bộ làm công tác BĐKH tại các địa phương.
Theo Thứ trưởng, hiện lĩnh vực biến đổi khí hậu có một số vấn đề mới đòi hỏi cần quản lý hiệu quả, đặc biệt là vấn đề kinh tế biến đổi khí hậu với việc mua bán tín chỉ các-bon, hay việc tách riêng các loại thuế, phí các-bon khỏi thuế bảo vệ môi trường. Chính vì thế, Cục cần tiếp tục chủ động công tác nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm quốc tế làm cơ sở xây dựng các chính sách phù hợp.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn khi giá trị thương mại xuất nhập khẩu cao gấp đôi GDP. Bởi vậy, những quy định về thuế, phí, hàng rào thương mại của Việt Nam cũng cần tương đồng với các nước phát triển. Điều này đặt ra yêu cầu đào tạo nhân lực khoa học, có thể đưa ra các kịch bản dự báo vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu gắn với phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh. Điều này sẽ giúp đất nước tăng sự chủ động trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế ngày càng có nhiều khó khăn, vấn đề quản lý lĩnh vực biến đổi khí hậu cũng sẽ liên quan nhiều hơn đến các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước - Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Thứ trưởng kỳ vọng, lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu đến các phòng chuyên môn tiếp tục tinh thần trẻ trung, sáng tạo để thực hiện tốt nhiệm vụ 2023 và những năm tiếp theo.
Nhiều chính sách biến đổi khí hậu đi vào cuộc sống
Báo cáo về những kết quả mà Cục Biến đổi khí hậu đã đạt được năm 2022, Phó Cục trưởng Mai Kim Liên cho biết, năm 2022 là năm có nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, chính sách mới về ứng phó với BĐKH được ban hành và đi vào cuộc sống; nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn và tích cực triển khai thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26. Lãnh đạo Cục đã chỉ đạo sát sao, điều hành quyết liệt, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các đơn vị, cá nhân chủ trì thực hiện. Đến nay, các nhiệm vụ đều được hoàn thành theo đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.
Về hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, pháp luật, Cục đã tập trung xây dựng và hoàn thành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường về biến đổi khí hậu. Trong đó, đã được ban hành 1 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 3 Thông tư liên quan đến triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về ứng phó với biến đổi khí hậu. Cục còn tham gia xây dựng trình ban hành 2 Nghị định về nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Cục đã xây dựng trình Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành nhiều văn bản, đề án phục vụ công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, bao gồm: Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam cập nhật năm 2022.
Về hợp tác quốc tế, trong năm qua, Cục đã tích cực làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế để hợp tác hỗ trợ về BĐKH, ký kết một số Bản ghi nhớ hợp tác; tham dự các phiên họp quốc tế quan trọng và đã chuẩn bị tốt, kịp thời các nội dung tham dự Hội nghị COP27. Chuẩn bị tổ chức Hội nghị với các đối tác phát triển về đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng; tham gia đàm phán Tuyên bố chính trị quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và các đối tác phát triển. Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản, cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo COP26…
Cục cũng đã đề xuất 2 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, 2 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các hoạt động về ứng phó với BĐKH trong tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, văn phòng, kế hoạch tài chính.
Trong năm 2022, Bên cạnh hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, Cục đã tích cực phối hợp phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Chương trình, Kế hoạch hành động có liên quan. Thực hiện phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách mới được ban hành…
Triển khai hiệu quả các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu
Đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Trên cơ sở hệ thống cơ sở pháp lý hiện hành, Cục Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, bao gồm nội luật hóa các quy định quốc tế liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn, thị trường các-bon, thích ứng BĐKH.
Cục sẽ tiếp tục xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu thực tiễn để tăng cường công tác quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương; Tập trung xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án theo kế hoạch; Triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực chất thải giai đoạn 2023-2025; Kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải. Đồng thời, Cục Biến đổi khí hậu tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các chương trình hành động, kế hoạch về ứng phó với BĐKH; triển khai thực hiện các đề án, chiến lược về BĐKH.
Năm 2023, Cục sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về ứng phó với BĐKH của địa phương; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, nhất là thực hiện các Bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết với các đối tác, thực hiện Đề án triển khai COP 26 và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Một công việc quan trọng nữa là triển khai hoàn thiện cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu, trong đó tập trung xây dựng hệ thống thông tin báo cáo, cơ sở dữ liệu về kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia phục vụ công tác quản lý.
Phát biểu góp ý tại Hội nghị, lãnh đạo các Vụ: Hợp tác quốc tế, Vụ kế hoạch tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Pháp chế; Thanh tra bộ, viện Chiến lược, chính sách TN&MT, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Văn phòng Bộ đều đánh giá cao những kết quả trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ năm 2022 với Cục Biến đổi khí hậu. Đại diện các đơn vị cũng đề xuất, năm 2023 là năm Việt Nam sẽ phải triển khai nhiều các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và triển khai chính sách pháp luật liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau, cần có kế hoạch với những nội dung cụ thể và tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các cơ quan cả trong và ngoài Bộ một cách chặt chẽ, nhịp nhàng.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/quan-ly-ve-bien-doi-khi-hau-chu-dong-nghien-cuu-cac-van-de-moi-a24762.html