Na Hang hay Nà Hang theo tiếng của dân tộc Tày có nghĩa là “ruộng cuối”. Đây là một huyện miền núi, nằm ở phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang có vị thế chiến lược quan trọng và truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Na Hang vinh dự được nhiều cơ quan Trung ương chọn đặt các cơ sở phục vụ kháng chiến.
Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống yêu nước trong những năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân và đế quốc xâm lược, huyện vùng cao có cái tên vô cùng đặc biệt này còn gây ấn tượng mạnh với mỗi người khi lần đầu đặt chân đến đây bởi núi rừng hùng vĩ, trùng điệp, bởi những cảnh sắc nên thơ hữu tình và cũng vô cùng độc đáo. Chắc hẳn đối với những người đam mê du lịch, thích khám phá thì những cái tên như Thác Mơ, thác Pác Hẩu, Nặm Me, Khuổi Súng,… không còn xa lạ.
Khi đến vùng đất này du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những thửa ruộng bậc thang vàng óng, những khu rừng nguyên sinh hoang sơ với nhiều loại muông thú quý hiếm, những núi đồi hùng vĩ, điệp trùng và thật thiếu sót nều không nhắc đến hồ thủy điện Na Hang. Hồ thuỷ điện có diện tích mặt nước hơn 8.000 ha, tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp, phong cảnh hữu tình, nên thơ, được ví như "Hạ Long giữa đại ngàn" như một bức tranh cổ tích nổi bật giữa đại ngàn xanh tươi, là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ và du khách.
Bên cạnh việc nổi tiếng là vùng đất thơ mộng, non nước giao hòa, đẹp như một bức tranh thủy mặc, Na Hang còn gây thương nhớ bởi những nét văn hóa lâu đời. Hiện huyện Na Hang là nơi sinh sống của 12 dân tộc, phần lớn là người Tày (57,52%), người Dao (23,38%). Do vậy, huyện luôn cố gắng tạo điều kiện gìn giữ và phát huy những giá trị đời sống tinh thần đặc sắc của đồng bào các dân tộc.
Mỗi năm cứ vào dịp tháng Giêng thường ngày mùng 4 đến ngày 25, Lễ hội Lồng Tông của người dân tộc Tày được tổ chức để tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho mọi người, mọi nhà sức khỏe, hạnh phúc và cầu cho mùa màng tươi tốt. Những nét độc đáo, không khí tưng bừng náo nhiệt đã thu hút đông đảo bà con và khách du lịch. Cùng với đó, một số xã trên địa bàn huyện còn duy trì những lễ hội truyền thống như: Lễ hội Giã cốm (xã Côn Lôn), Lễ hội Nhảy lửa của người Dao Đỏ (xã Đà Vị)...
Những Lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc đang sinh sống ở huyện Na Hang trong dịp Tết đến, Xuân về thực sự đã giúp cho nhân dân các dân tộc vùng cao Tây Bắc có điểm vui chơi bổ ích, đặc biệt đây cũng là nơi tụ hội, giao lưu của nhân dân và du khách thập phương, là dịp để những người con của quê hương tri ân với nguồn cội, tổ tiên sau một năm công tác, học tập trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Đương nhiên không thể không nhắc tới ẩm thực Na Hang. Những món ăn ở đây hấp dẫn khách du lịch bởi nó mang hồn cốt, thể hiện rõ nét văn hóa ẩm thực của một vùng như lẩu cá lăng, cá nheo, thịt trâu, bò khô, xôi, mỳ ngũ sắc, các loại rau rừng khá lạ lẫm như rau rớn, rau dạ hay những thức uống độc đáo, riêng có của vùng đất này là rượu ngô men lá Sơn Phú, rượu đao.
Đồng chí Hoàng Minh Đằng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: “Được thiên nhiên ưu đãi thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm khám phá, du lịch cộng đồng Homestay... Vì vậy, Na Hang đã tập trung bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc gắn với hoạt động du lịch. Du khách vừa được tham quan vừa được tìm hiểu về phong tục, tập quán của người dân, khám phá những nét đặc trưng về văn hóa các dân tộc được thể hiện qua các lễ hội, trang phục, sinh hoạt hàng ngày”.
Nhận thức rõ tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, những năm qua huyện Na Hang đã tích cực đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện chủ động mở các lớp tập huấn, dạy nghề hướng dẫn kỹ năng làm du lịch cho người dân. Huyện còn tăng cường đầu tư về cơ sở chật chất, hạ tầng giao thông, xây dựng chợ đêm để kích cầu du lịch, quảng bá nét văn hóa, ẩm thực của địa phương, thành lập các câu lạc bộ hát then, hát Páo dung, đảm bảo vệ sinh môi trường và các điều kiện phục vụ du khách gắn với các tour tuyến du lịch, sản xuất các sản phẩm lưu niệm mang đặc thù địa phương... Toàn huyện hiện có trên 20 câu lạc bộ hát Then, hát Páo dung của người Tày, người Dao, thông qua các buổi tuyên truyền, đã tạo ý thức trong mỗi người dân về lợi ích của việc bảo tồn di sản, chữ viết, trang phục của dân tộc.
Ông Nguyễn Trọng Đoan, Phó Chủ tịch huyện Na Hang chia sẻ: “Trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương, chúng tôi luôn chú trọng gìn giữ văn hóa các dân tộc. Đồng bào các dân tộc cũng triển khai các mô hình homestay, tạo không gian để đón tiếp du khách, tham gia các lớp tập huấn đón tiếp khách du lịch với chính các sản phẩm du lịch bắt nguồn từ nét đặc sắc văn hóa của người dân tộc. Từ đó, du khách khi đến với Na Hang sẽ được trải nghiệm và khám phá những nét đặc sắc địa phương.”
Chính vì vậy khách du lịch đến với Na Hang luôn giữ ở mức ổn định. Năm 2020, cả thế giới gồng mình chống chọi với dịch COVID-19 nhưng nơi đây vẫn thu đạt 102.575 nghìn lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 74,9 tỷ đồng. Năm 2021, dịch COVID-19 vẫn chưa có xu hướng giảm nên lượng khách du lịch đến với Na Hang có chiều hướng giảm so với năm 2020 khi đạt 83.000 lượt khách du lịch, doanh thu 63 tỷ đồng. Tuy nhiên đến 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm đã đạt trên 97.000 lượt người, trong đó khách quốc tế là 558 lượt và khách trong nước trên 96.400 lượt.
Trong thời gian tới, để phát triển du lịch kết hợp gắn với việc giữ gìn bản sắc dân tộc nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mang tính đặc thù của vùng, huyện Na Hang sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về miền đất, văn hóa và con người Na Hang trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và tôn tạo các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh.
Mạnh Linh