Theo PGS. Nguyễn Văn Sơn, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, hoạt động giao thông đóng góp 70% tổng lượng bụi cùng với khí thải vào môi trường không khí…
Đáng chú ý, nguồn ô nhiễm này gây tác động xấu rất nhiều tới sức khoẻ cộng đồng. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nên khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm; trong đó có 20% số ca tử vong là do các bệnh về đường hô hấp và ung thư liên quan đến phơi nhiễm với bụi mịn. Cùng với với đó là hàng loạt các vấn đề về tiểu đường, tim mạch, phổi, gan, đột quỵ, rối loạn tiết tố… ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Hầu hết người dân đeo khẩu trang tránh ô nhiễm không khí khi tham gia giao thông
Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng tình hình vẫn diễn ra khá phức tạp.
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động giao thông, theo ông Sơn, trước mắt Việt Nam cần tăng cường giám sát phát thải qua hệ thống đăng kiểm và có cơ chế thu hồi xe máy cũ gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần hướng tới việc phát triển hệ thống tàu điện ngầm, tàu trên cao thành một mạng lưới giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; khuyến khích sử dụng xe điện, trợ giá xe điện, có chế độ hỗ trợ người sử dụng xe điện; đẩy nhanh tiến độ di dời các trường học, cơ quan, đơn vị hành chính ra ngoài thành phố để giãn mật độ dân số trong nội đô....
Để phòng ngừa và giảm tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe, BS. Lê Hoàn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khuyên mọi người cần chú ý ăn uống sạch, vệ sinh mũi họng hàng ngày; Đeo khẩu trang khi ra đường; Hạn chế lưu thông lúc đường đông hay đi vào khu ô nhiễm như khu công nghiệp. Đồng thời, tăng cường tập thể dục nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng...
Người dân nên theo dõi chỉ số chất lượng không khí (AQI) để xem lúc nào ảnh hưởng đến sức khỏe. Những lúc chỉ số cao, người già và trẻ em không nên ra đường, đặc biệt vào buổi sáng, tránh gây hại cho sức khỏe.
Với người ở nhà, cần hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào vào thời điểm chất lượng không khí xấu, đặc biệt là các nhà ở gần đường giao thông hoặc điểm ô nhiễm. Người mắc các bệnh về hô hấp cũng được các chuyên gia khuyến cáo không nên ra đường vào các thời điểm chỉ số AQI lên cao.
Theo báo Giao thông
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhan-dien-thu-pham-gay-o-nhiem-khong-khi-tang-tu-vong-som-a24645.html