Dự án Quản lý cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) sau một thời gian khảo sát, nghiên cứu ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL cho biết cuối năm 2021, ĐBSCL có tới 621 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 610 km. Có 147 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 127 km, 137 điểm sạt lở nguy hiểm với chiều dài 193 km.
“Đừng để cọp bắt mất heo rồi mới lo làm chuồng”
An Giang là địa phương bị sạt lở nhiều nhất với hơn 102 km bờ sông. Kế đến là Cà Mau gần 92 km, Trà Vinh hơn 89 km, Bến Tre 80 km, Đồng Tháp gần 50 km… Trong 3 năm (2018-2020), sạt lở đã gây thiệt hại hơn 208 tỉ đồng tại các tỉnh, thành: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau, Cần Thơ. Cũng ở 5 địa phương này, khoảng 20.000 hộ dân đang sống trong vùng sạt lở cần phải di dời.
Mới đây tại khu vực sông Tiền, vụ sạt lở kinh hoàng ở cù lao Minh (ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã “nuốt trôi” trên 4,1ha đất (chiều dài đoạn sạt lở hơn 350 m, sâu vào trong 160 m) khiến 13 căn nhà dân bị chìm xuống sông, 109 người bị dân mất nhà cửa, ước thiệt hại 35 tỉ đồng.
Vụ sạt lở đã trải qua hơn 2 tuần nhưng bà Nguyễn Thị Kim Tươi (50 tuổi, ngụ ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh) vẫn bàng hoàng, gia đình bà có hơn 4,5 công đất trồng nhãn xuồng và 2 căn nhà của bà và mẹ chồng bỗng chốc bị sông “nuốt chửng”.
“Đứng nhìn toàn bộ gia sản chìm dần xuống sông mà ngẹn lời không nói được gì” - bà Tươi buồn rầu.
Vụ sạt lở nghiêm trọng này khiến lực lượng chức năng lo lắng về hiện tượng gần như trái với tự nhiên này, thường những vụ sạt lở từ ngoài vào trong hay sạt lở trên bề mặt phía ngoài sông rồi kéo dài vào trong. Nhưng vụ sạt lở này lại từ trong ra ngoài, có nghĩa là lâu nay dưới chân người dân xuất hiện một hố sâu mà không hề hay biết.
Nói về vụ sạt lở này, ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL lý giải: Có thể thấy rằng phía dưới khu vực sạt lở đã rỗng từ lâu mà những người sống phía trên không hề hay biết.
Lo lắng cho khu vực này và cả phía chân cầu Mỹ Thuận cách đó không xa, ông Thiện nói: “Chúng ta sống ở phía trên, thấy vẫn bình thường, không biết được cát phía dưới cầu ra sao. Như trước khi vụ sạt lở 4,1 ha ở huyện Long Hồ, không ai ngờ sẽ xảy ra. Vì vậy, tôi đề xuất cơ quan chức năng, kể cả cơ quan quốc tế nên chú ý, đo lượng cát ở cầu Mỹ Thuận xem thế nào. Đừng để tới khi quá muộn rồi mới phát hiện, đừng để... cọp bắt mất heo rồi mới lo làm chuồng”.
Ông Hà Huy Anh - Thành viên của Dự án quản lý cát bền vững (IKI SMP; dự án do WWF Việt Nam và Tổng cục Phòng chống thiên tai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện) thực sự lo lắng: “Dự án của chúng tôi trong quá trình đo đạc trong mùa khô 2022 mới đây cho thấy cách cầu Mỹ Thuận 1,2km về phía Bắc phát hiện có hố sâu gần 50m”. Cũng theo ông Hà Huy Anh: “Ở khu vực biển, từ phía bờ, phải đi rất xa ra ngoài mới có độ sâu này, nhưng ở trên sông lại phát hiện hố sâu này. Ngoài điểm này, chúng tôi còn phát hiện rất nhiều hố sâu tương tự như thế ở ĐBSCL rất nguy hiểm”.
Ông Nguyễn Nghĩa Hùng - Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng cho rằng sạt lở ở ĐBSCL đang ngày càng khó lường, phân tán khắp nơi và không theo quy luật nào.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sạt lở, nhưng một trong những nguyên nhân chính nhất là sự mất ổn định bờ. Mất ổn định có thể do dòng chảy, xói mòn lòng sông và đặc biệt là mất cân bằng cát do khai thác quá mức” - ông Hùng cho biết.
Bà Tươi (cù lao Minh, ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) chỉ biết nhìn tài sản chìm dần xuống sông.
Sông Tiền, sông Hậu đối mặt với nguy cơ không còn cát
Thời gian qua đầu nguồn sông Lan Thương - MeKong đã hiện hữu phù sa ngày một ít, nước sông MeKong đổ về trước đây đục ngầu, nay trở nên trong vắt, đây là điều đáng buồn, nước sông trong đồng nghĩa với việc phù sa, cát sẽ không còn và không về với ĐBSCL. Theo GS Marc Goichot - Phụ trách Quỹ bảo vệ Thiên nhiên thế giới (WWF), lượng phù sa sông MeKong bình thường là 160 triệu tấn, từ khi đắp 12 con đập đầu nguồn, lượng phù sa đổ về đã giảm 80%, khai thác cát vô tội vạ càng khiến hậu quả nặng nề.
Đặc biệt đang có một sự mất cân bằng nghiêm trọng trong quá trình “bồi đắp cát và lấy cát đi” ở ĐBSCL. Số liệu của Ủy hội sông MeKong (MRC) cho biết khối lượng cát từ thượng nguồn MeKong bồi đắp cho ĐBSCL hiện vào khoảng 6,8 - 7 triệu tấn/năm (trong đó khoảng 6,5 triệu tấn đổ ra biển). Thế nhưng, lượng cát đang khai thác ở ĐBSCL hiện dao động từ 27 - 40 triệu tấn/năm. Như vậy, mỗi năm ĐBSCL đang bị thiếu hụt tối đa khoảng 39,5 triệu tấn cát. Trong bối cảnh có quá nhiều đập thủy điện xây dựng trên thượng nguồn MeKong, MRC dự báo đến năm 2040 sẽ chỉ còn 4,5 triệu tấn phù sa, cát đổ về ĐBSCL, trong đó chỉ có khoảng 10 - 15% là cát.
Việc khai thác cát quá mức làm giảm lượng dự trữ ở các sông lớn, làm gia tăng sụt lún. Thiếu cát dẫn đến sói mòn đáy sông, sạt lở bờ sông, gây mất đất sản xuất, thiệt hại lớn đến công trình hạ tầng, tài sản của người dân… Thiếu cát đổ ra biển dẫn đến vùng ven biển sâu hơn, sóng sẽ đánh mạnh vào bờ, gây sạt bờ biển. Lòng sông hạ thấp kéo theo mực nước mùa khô thấp, gia tăng xâm nhậm mặn vào nội đồng.
Ông Hoàng Việt - Giám đốc Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL, cho rằng việc xây dựng “ngân hàng cát” là cần thiết. “Ngân hàng cát” sẽ tính toán và tìm ra sự cân bằng giữa lượng cát từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL, lượng cát có ở đáy sông, lượng cát khai thác (cả hợp pháp và bất hợp pháp), và lượng cát đổ ra biển. Từ đó sẽ tính toán hoạch định chính sách phân bố đồng đều tránh tình trạng khai thác, sử dụng quá mức trong khi cát nhận về lại không đủ.
Nhiều nơi tại ĐBSCL bị sụt lún, sạt lở.
Cần nhìn nhận đúng vai trò của cát
Thực tế thì cát chỉ về ĐBSCL vào những năm có lũ lớn và chỉ di chuyển khoảng 3 tháng trong năm. Đập thủy điện như những bức tường, làm giảm dòng chảy và ngăn cát không thể khởi nguồn nên cát sông sẽ không về ĐBSCL nữa. Thiếu cát sẽ làm sâu lòng sông, đe dọa sự an toàn của những cây cầu lớn vượt sông Tiền, sông Hậu khi những hố sâu xuất hiện gần chân cầu. Ông Thiện đề xuất, quản lý cát phải có tính liên kết vùng, chứ không thể quản lý theo đơn vị hành chính cấp tỉnh, bên này cấm mà bên kia lại cho khai thác thì cát vẫn hết.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận đúng vai trò của cát, đó không chỉ là vật liệu xây dựng, mà còn có vai trò duy trì lãnh thổ (chống sạt lở), vai trò sinh thái, cát hoặc đất pha cát sẽ là môi trường sinh sống của nhiều loài cây, con đặc hữu…
Không thể xem nhẹ vai trò của cát ở lòng sông, việc thời gian qua đang cho khai thác quá mức trong khi không có nguồn cát bổ sung đang khiến cho tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Các địa phương không thể xem nhẹ, cần sớm có phương án cụ thể quản lý, khai thác nguồn cát, đây là điều sống còn ở tương lai không xa.
Theo TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ), người dân ĐBSCL gọi con sông chứ không phải dòng sông, người dân hiểu nó như là cơ thể sống, cần có cái ăn mới sống, có phù sa bồi đắp, mà cát là nguồn năng lượng, có nhiều thì tích tụ lại, mất cát thì trước hết là sẽ mất dần các cồn, cù lao, bãi bồi ven sông do sạt lở… Cát như là đôi chân của ĐBSCL, chính cát giúp cho đất đai lấn dần ra biển, khai thác cát sông quá mức, khai thác cát biển là cắt đứt đôi chân này.
Việc khai thác cát quá mức làm giảm lượng dự trữ ở các sông lớn, làm gia tăng sụt lún. Thiếu cát dẫn đến sói mòn đáy sông, sạt lở bờ sông, gây mất đất sản xuất, thiệt hại lớn đến công trình hạ tầng, tài sản của người dân… Thiếu cát đổ ra biển dẫn đến vùng ven biển sâu hơn, sóng sẽ đánh mạnh vào bờ, gây sạt bờ biển. Lòng sông hạ thấp kéo theo mực nước mùa khô thấp, gia tăng xâm nhậm mặn vào nội đồng.
Có thể phía dưới khu vực sạt lở đã rỗng
Ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho rằng có thể phía dưới khu vực sạt lở đã rỗng từ lâu mà những người sống phía trên không hề hay biết. Cát hiện nay về ĐBSCL ít là do nó “khởi hành” rất lâu trong quá khứ từ thượng nguồn về. Nhưng hiện nay, hàng chục đập ở thượng nguồn chắn ngang dòng sông thì tương lai cát sẽ không về ĐBSCL. Không thể xem nhẹ vai trò của cát ở lòng sông, việc thời gian qua cho khai thác quá mức trong khi không có nguồn cát bổ sung đang khiến cho tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Theo Đại đoàn kết
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/dong-bang-song-cuu-long-bao-dong-sat-lo-a24627.html