Cảnh giác với những kẻ 'đạo tặc' bất ngờ hỏi thăm ngày cuối năm

Những ngày Tết Nguyên đán đã cận kề, dân gian xưa vẫn coi đây là tháng “củ mật” vì dịp cuối năm, khi người dân tất bật lo toan mọi việc, mất cảnh giác cũng là cơ hội cho những kẻ “đạo tặc”.

Gia tăng trộm cắp tài sản tại các khu vực công cộng

Ngày 20-12 vừa qua, Cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Đình Anh (SN 1997) trú tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái để điều tra về tội trộm cắp tài sản. Đình Anh là đối tượng có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản, mới thi hành xong bản án cuối cùng, trở về địa phương vào ngày 23-9. Không tiền, không nghề nghiệp, Đình Anh lại tiếp tục nảy sinh ý định trộm cắp tài sản nên đã từ Yên Bái về Hà Nội, rủ một người quen qua mạng xã hội đi trộm cắp tài sản. Anh ta sắm một chiếc kìm cộng lực để làm công cụ gây án.

1h ngày 12-12, Đình Anh bảo người bạn mới quen đi xe máy đến đón Đình Anh ở cổng làng Đình Thôn và đến Trung tâm thương mại dịch vụ phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm để tìm “hàng”. Tại đây, nghĩ là không có người trông giữ nên Đình Anh đã đột nhập vào kiot số 6. Khi vừa bật đèn để tìm kiếm tài sản, phát hiện chiếc laptop, Đình Anh đã bị bảo vệ phát hiện, báo cho CAP Trung Văn.

Công cụ các đối tượng sử dụng để trộm cắp tài sản tại phòng công chứng quận Long BiênCông cụ các đối tượng sử dụng để trộm cắp tài sản tại phòng công chứng quận Long Biên

Với sự tăng cường tuần tra kiểm soát của lực lượng công an cơ sở, sự chủ động phòng ngừa của người dân, thời gian gần đây các đối tượng trộm cắp ít lựa chọn nhà dân là địa điểm gây án mà đã chuyển sang trụ sở cơ quan, đơn vị, nơi cộng cộng.

Điển hình như vụ việc CAQ Long Biên mới đấu tranh làm rõ gần đây. Nhóm trộm 3 đối tượng lên danh sách những địa điểm có thể có tiền, tài sản giá trị, rồi quyết định chọn trụ sở văn phòng công chứng để gây án.

Tài liệu cơ quan công an thể hiện, khoảng tháng 9-2022, qua mối quan hệ xã hội, Nguyễn Huy Hùng (SN 1992, trú tại phường Việt Hưng) được giới thiệu làm quen với Phạm Quang Huy (SN 1988, tạm trú TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Trần Văn Duyệt (SN 1998, quê quán Quỳnh Lưu, Nghệ An). Điểm chung của 3 đối tượng là đều không có nghề nghiệp, sống lang thang.

Chiều 1-12, Huy gọi điện cho Hùng, trao đổi xem có chỗ nào “kha khá” để đột nhập lấy trộm tài sản. Nghĩ một hồi những trụ sở cơ quan, gia đình “có máu mặt” ngay tại nơi cư trú, Hùng nhắm đến Văn phòng công chứng N.P.L. Thực hiện tội phạm, Hùng đi mua xà cầy, kìm cộng lực, găng tay... Đến khoảng 0h ngày 2-12 Hùng sử dụng xe máy chở Huy, Duyệt đến Văn phòng công chứng, phân công Huy, Duyệt cảnh giới. Đêm hôm đó, mấy tên gian không đột nhập được vào trong, do hệ thống chấn song, cửa quá chắc.

Người dân cần lưu số điện thoại để sử dụng nếu phát hiện trộm đột nhập

Người dân cần lưu số điện thoại để sử dụng nếu phát hiện trộm đột nhập

Chiều hôm sau, Hùng bàn bạc với Huy, Duyệt, đi mua thêm 1 chiếc cưa, 1 bình ga mini có đầu khò để cắt sắt, quyết vào trong bằng được. Khoảng 0h30 ngày 3-12, bộ ba Hùng, Huy, Duyệt quay đến Văn phòng công chứng N.P.L. Lần này, Hùng giúp sức để Huy, Duyệt đột nhập vào trong, còn anh ta đứng ngoài cảnh giới.

Tại căn phòng trên tầng 2, nhóm trộm đã tìm cách vô hiệu hóa két sắt, lấy được hơn 30 triệu đồng. Xuống tầng 1, các đối tượng phát hiện có 1 két sắt nữa, lập tức tìm cách phá nhưng trong két không có đồ vật tài sản gì.

Luôn cảnh giác trong mọi hoàn cảnh đề phòng trộm đột nhập

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội, trong thời điểm cuối năm, nhất là gần Tết Nguyên đán, tội phạm trộm cắp tài sản nói chung, đột nhập trộm cắp tài sản nói riêng, có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thường lợi dụng sơ hở của người dân (không khóa cửa cổng, cửa ra vào nhà, cửa ban công, cửa sổ, cửa tum... cả ban ngày, lẫn ban đêm) đã đột nhập vào nhà dân trộm cắp tài sản có giá trị. Khi bị phát hiện, bắt giữ, đối tượng chống trả quyết liệt để bỏ trốn. Nhiều vụ việc, các đối tượng đã gây thương vong cho chủ nhà. Điển hình như vụ việc xảy ra tại Sơn Tây những ngày cuối tháng 11 vừa qua.

Các loại cửa phải đảm bảo luôn được khóa chắc chắc

Các loại cửa phải đảm bảo luôn được khóa chắc chắc

Để phòng trộm đột nhập vào nhà, trụ sở các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, chỉ huy Phòng CSHS khuyến cáo người dân nên chủ động thực hiện một số biện pháp như kiểm tra lại hệ thống tường rào, gia cố đảm bảo đủ cao, đủ chắc chắn và gây khó khăn cho kẻ trộm nếu có ý định trèo qua; hệ thống cửa ra vào nhà bao gồm cửa cổng, cửa ra vào chính, cửa ngách, cửa hậu, cửa tum và các cửa sổ, cửa chớp, đảm bảo các cửa phải được khóa chắc chắn trước khi ra khỏi nhà hoặc trước khi đi ngủ.

Người dân, bảo vệ các cơ quan, trụ sở nên sử dụng khóa cửa bằng các loại khóa an toàn, loại tốt, thương hiệu có uy tín, chống cắt phá cả từ bên ngoài và bên trong; cất giữ phương tiện vào phòng có khóa, xe máy phải khóa cổ, khóa càng, cất riêng chìa khóa xe, chìa khóa phòng vào nơi an toàn trước khi đi ngủ.

Người dân không để các đồ vật nhỏ gọn có giá trị như điện thoại, laptop, tiền, chìa khóa nhà, chìa khóa xe hoặc treo quần, áo có ví, túi xách gần cửa sổ, ô thoáng… mà kẻ gian có thể lợi dụng dùng que câu móc, lấy trộm.

Nên chú động lắp đặt các thiết bị an ninh với chi phí tiết kiệm như đèn cảm ứng tự bật sáng khi phát hiện chuyển động, chuông báo động tự động kích hoạt khi cửa mở, hoặc có điều kiện thì lắp đặt hệ thống camera an ninh phù hợp.

Hạn chế đăng thông tin về việc mình vắng nhà lên mạng xã hội

Hạn chế đăng thông tin về việc mình vắng nhà lên mạng xã hội

Cùng với đó, luôn đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương, mạnh dạn tố giác, tham gia truy bắt đối tượng phạm tội giao cho lực lượng Công an khi phát hiện. Đồng thời, người dân cần giữ mối liên kết chặt chẽ với Công an cơ sở và bảo vệ dân phố, dân phòng địa phương để khi cần có thể liên hệ đề nghị trợ giúp kịp thời.

Theo An ninh thủ đô

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/canh-giac-voi-nhung-ke-dao-tac-bat-ngo-hoi-tham-ngay-cuoi-nam-a24621.html