Theo đó, chị A phát hiện mắc lao phổi tiền siêu kháng thuốc FQs từ cuối tháng 10/2021- thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và đến nay đã được điều trị khỏi tại BV Phổi T.Ư. Trước đó, chị A không hề có biểu hiện gì của bệnh: “Trước khi phát hiện mắc lao, tôi không có bất cứ triệu chứng nào. Trong một lần khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ cho biết x-quang phổi của tôi có vết mờ và đề nghị kiểm tôi tới bệnh viện chuyên khoa để khám cụ thể”.
Chị A cho biết, dù đã điều trị khỏi bệnh lao, nhưng sức đề kháng của chị kém đi rất nhiều, dễ bị ho, cúm khi thời tiết thay đổi. Bác sĩ cho biết, phổi của chị A đã bị sẹo do tổn thương, do di chứng để lại, do vậy cần chú ý giữ gìn sức khỏe hơn.
Cũng theo chị A, chị làm việc trong môi trường kín, hầu như từ sáng đến tối đều ở trong nhà. Trước khi mắc lao, một đồng nghiệp nam của chị A cũng phát hiện bị mắc lao do lây từ vợ.
“Người này mới vào làm được khoảng một vài tháng thì thấy bị ho nhiều nên đi khám và phát hiện mắc lao. Ngay sau đó người này nghỉ việc. Cùng với tôi, một số đồng nghiệp cũng phát hiện mắc lao”, chị A nói.
Khi biết mình mắc lao, chị A đã đưa toàn bộ người nhà đi chụp x-quang, xét nghiệm và rất may mắn đều cho kết quả âm tính.
Với trường hợp cụ thể của bệnh nhân A, BSCKI Lê Thị Lệ Sim, Khoa lao hô hấp, BV Phổi T.Ư, đưa ra khuyến cáo, trong môi trường làm việc có người mắc lao, có nguy cơ như vậy thì nên tầm soát bệnh sớm. Khi có các triệu chứng nghi là lao như sốt về chiều, bị ho nhiều, gày, sút cân, hay vã mồ hôi ban đêm… người dân nên đi tầm soát sớm bệnh lao, đồng thời nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần.
“Khi trong đờm có vi khuẩn lao và người bệnh ho, bắn giọt bắn ra xung quanh thì có thể lây bệnh. Những trường hợp mới mắc lao nên đeo khẩu trang trong khi tiếp xúc với người xung quanh để hạn chế giọt bắn. Sau khi điều trị khoảng 1 tháng, người bệnh có xét nghiệm đờm âm hóa thì có thể sinh hoạt bình thường với người thân trong gia đình và mọi người”, BS Sim nói.
Bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người tử vong vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc mới. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Theo báo cáo của WHO năm 2020, Việt Nam có hơn 172.000 trường hợp mắc bệnh và 10.400 người đã tử vong vì lao. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Theo thống kê của Chương trình Chống lao Quốc gia, hằng năm, Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.
Hiện tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Bệnh lao được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Theo VOV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nu-benh-nhan-soc-vi-tu-nhien-mac-lao-khang-thuoc-a24521.html