Giáo viên căng thẳng vì đủ kiểu chứng chỉ

Tin học, tiếng Anh, bồi dưỡng giáo viên là những chứng chỉ cần có để giáo viên đủ điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhưng đó không phải là thước đo năng lực thật sự.

Đã 26 năm trôi qua, các chứng chỉ mang tính hình thức, định tính không định lượng, được mặc định để đánh giá năng lực của một giáo viên vẫn tồn tại, đè nặng lên họ.

Nếu không có những chứng chỉ này, giáo viên không thể phát triển được, dẫn đến nhiều hệ lụy, tiêu cực, thậm chí là mua bằng để hợp thức hóa. Bởi không phải giáo viên nào cũng đủ điều kiện kinh tế, thời gian để theo học hiệu quả một lớp đào tạo chứng chỉ.

Bị "trói" bởi giấy tờ

Chia sẻ với phóng viên báo Người Lao Động, cô Trần Phong Thiên Hạnh, Phó hiệu trưởng trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5, TP.HCM), cho rằng vẫn phải cần chứng chỉ tin học, tiếng Anh, qua đó nhà trường có thể biết được năng lực của giáo viên đến đâu để kịp thời bồi dưỡng, chuẩn bị cho chương trình phổ thông mới nhưng không phải nhất thiết gây áp lực cho giáo viên để có được chứng chỉ tin học, tiếng Anh, năng lực thật sự của giáo viên mới là yếu tố quan trọng.

Giáo viên căng thẳng vì đủ kiểu chứng chỉ
Giáo viên hiện nay cần có kỹ năng thực chất hơn các loại chứng chỉ trên giấy. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.

"Cần hoạch định lại kế hoạch bồi dưỡng giáo viên để có được các chứng chỉ, cần tạo điều kiện về thời gian nhất định đối với những giáo viên đã có thâm niên trong nghề. Họ không thể bắt kịp và lĩnh hội kiến thức mới nhanh như các giáo viên trẻ nên cùng một lúc xét thăng hạng cho cả hai đối tượng thì khó tránh khỏi việc xảy ra tiêu cực trong quá trình học, thi lấy chứng chỉ đáp ứng điều kiện thi nâng hạng" - cô Hạnh phân tích.

Công tác trong ngành giáo dục hơn 15 năm, cô Hà Thị Thân - giáo viên trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - trải lòng, quy định các chứng chỉ tin học, tiếng Anh để thăng hạng chức danh nghề nghiệp chỉ phù hợp với các giáo viên trẻ, đối với những giáo viên nhiều năm công tác, có thâm niên trong nghề thì chỉ mang tính chất đối phó, không áp dụng được nhiều trong thực tế.

Nhưng vì đây là quy định và bắt buộc giáo viên tuân thủ nên nhiều người bị áp lực, căng thẳng do còn phải lo soạn giáo án, tìm tòi phương thức giảng dạy mới, giải quyết các mâu thuẫn học đường, gia đình.

"Thực sự, có quá nhiều loại chứng chỉ trói buộc giáo viên, buộc giáo viên phải học hàn lâm, áp dụng thực tiễn cũng hàn lâm, không có hiệu quả", giáo viên này nói.

Cần kỹ năng thay vì chứng chỉ

Thầy Nguyễn Hồ Anh Vũ, giáo viên trường THPT Trần Hữu Trang, cho rằng các chứng chỉ tin học, tiếng Anh hay bồi dưỡng nghề nghiệp giáo viên đều cần học thật, thi thật, năng lực thật. Vì vậy, đòi hỏi giáo viên có năng lực, có kỹ năng hơn là đòi hỏi giáo viên có chứng chỉ.

Tự mỗi giáo viên phải nhận thức được rằng trong thời đại công nghệ 4.0 và sắp đến là chương trình phổ thông mới mà không có kỹ năng tiếng Anh, tin học thì không thể giảng dạy được, nên phải học thật sự để nâng cao kiến thức, không phải vì đối phó.

"Đúng ra, không nên dùng chứng chỉ tin học loại A hay chứng chỉ tiếng Anh loại B mà là kỹ năng sử dụng tin học, tiếng Anh, bởi giáo viên cần kỹ năng để áp dụng thực tế. Nếu có chứng chỉ nhưng lâu không sử dụng, không dùng đến thì kỹ năng cũng sẽ không có", thầy Vũ nhận định.

Thầy Đặng Văn Minh, giáo viên trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM), hy vọng sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ có những thay đổi cởi mở hơn về quy định hành chính trong thi thăng hạng giáo viên. Nếu không quy định về chứng chỉ tin học, tiếng Anh, giáo viên vẫn cần có trình độ tin học, tiếng Anh để bắt kịp xu hướng giáo dục mới, phát triển bản thân, tư duy cấp tiến.

Giáo viên một trường tiểu học tại quận 6, TP.HCM nhìn nhận việc đưa ra các quy định về tiêu chuẩn đánh giá giáo viên thông qua chứng chỉ tin học, tiếng Anh không phải thừa. Nó sẽ rất hiệu quả nếu quá trình kiểm soát chất lượng chuyên môn được bảo đảm, các trung tâm đào tạo chứng chỉ cho giáo viên được kiểm tra chặt chẽ từ các cơ quan chức năng chứ không phải tràn lan như hiện nay.

Sẽ sửa quy định để thực chất hơn

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về thi, xét thăng hạng, nâng ngạch công chức, viên chức ngày 7/11 vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng việc này chưa rõ ràng, có nhiều bất cập, nhất là yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Vì yêu cầu đủ thủ tục nên cán bộ công chức, viên chức phải đi học nhưng theo kiểu đối phó, chất lượng chứng chỉ không thực chất.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết những quy định này không phải Bộ Nội vụ đưa ra, mà đã có từ năm 1993, song đến nay không còn phù hợp.

"Tôi nghĩ hai mươi mấy năm rồi thì phải sửa. Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này. Một quyết định mà 20 năm không sửa, để thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết sẽ sửa vào năm 2020 sau khi Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức được sửa đổi để không còn là gánh nặng với cán bộ công chức, viên chức và phải đi vào thực chất" - ông Lê Vĩnh Tân khẳng định.

Theo Nguyễn Thuận - B.Lâm/Người Lao Động

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/giao-vien-cang-thang-vi-du-kieu-chung-chi-a2446.html