“Một ngày làm việc của tôi, đầu tiên là sẽ lấy điện thoại ra, mở app xem lịch làm của mình ngày hôm đó. Sáng sớm khoảng tầm 7h sẽ cùng với anh chị họp 30 phút trao đổi với mọi người và bắt đầu công việc. Tôi thích cách để tạo ra những sản phẩm hữu cơ xanh, sạch, đẹp”, A Quả chia sẻ.
Từ việc tham gia lao động tại các Hợp tác xã, đơn vị sản xuất kinh doanh cùng các chương trình, dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật của chính quyền, ngành chức năng, nhiều lao động dân tộc thiểu số ở các thôn làng của tỉnh Kon Tum đã nắm vững kiến thức áp dụng vào sản xuất chăn nuôi. Tại các huyện, như: Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei… người dân đã tự ươm được cây cà phê xứ lạnh, biết nhân giống sâm dây, ươm hạt sâm Ngọc Linh để phát triển diện tích của gia đình. Tranh thủ những ngày nghỉ cuối năm, anh A Sỹ, ở thôn Wang Hra, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà lắp đặt hệ thống tưới nước tự động và tiết kiệm cho vườn cây của gia đình, chuẩn bị cho những tháng mùa khô khốc liệt. Anh A Sỹ cho biết, vì tự mua vật tư, tự lắp đặt nên giá thành rẻ hơn rất nhiều.
Cùng với tham gia các lớp đào tạo nghề, các khóa học chuyển giao khoa học kỹ thuật thì công việc trực tiếp tại các hợp tác xã, đơn vị sản xuất kinh doanh là con đường ngắn nhất để các lao động dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum tiếp thu và đưa khoa học, công nghệ về làng. Nổi bật như: sản xuất nông nghiệp hữu cơ của những bạn trẻ người Xơ Đăng ở huyện Kon Plông; mô hình trình chăn nuôi lợn sạch bền vững với 17 thành viên người Gia Rai và dân tộc Thái ở xã Ya Xier, huyện Sa Thầy; mô hình phát triển dược liệu ở xã Tê Xăng, Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông… Điều quan trọng hơn nữa là các lao động dân tộc thiểu số đã thay đổi được nếp nghĩ, cách làm.
“Một tuần một lần tất cả thành viên Hợp tác xã đều họp online. Thành viên mỗi người một nơi nên họp online cũng dễ dàng, tiện lợi hơn. Mục đích duy trì sự liên kết của thành viên trong nhóm để tương tác công việc với nhau”, anh A Tạo, dân tộc Xơ Đăng công việc chính là quản lý sản xuất trên vườn của Hợp tác xã thảo dược Tu Mơ Rông cho hay.
Năm 2022, tại tỉnh Kon Tum có 48 hợp tác xã được thành lập mới nâng tổng số Hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh lên 232 hợp tác xã. Đáng mừng hơn nữa là trong các hợp tác xã này số hộ dân tộc thiểu số là thành viên chiếm khoảng 17%. Những lao động này đã tham gia tích cực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã và góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm để hình thành nên 157 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao của tỉnh Kon Tum. Từ việc nắm bắt, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất đã có sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của lao động dân tộc thiểu số.
“Bà con đã có sự thay đổi, muốn thoát nghèo, bản thân phải chủ động vươn lên không ỷ lại hoàn toàn vào Nhà nước, không trông chờ vào Yang hay thần thánh, bản thân phải vươn lên. Về mặt hành động, bà con đã có tư duy chuyển đổi cách làm, sản xuất từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Bà con ngày càng nhiều tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khuyến nông, khuyến lâm, qua đó, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vào chăn nuôi”, ông Bùi Duy Trung, Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum cho biết.
Kết quả của việc nắm bắt khoa học kỹ thuật, áp dụng trong lao động sản xuất đã giúp cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số nhiều thôn làng ở tỉnh Kon Tum được cải thiện. Những tỷ phú chăn nuôi, trồng dược liệu, cà phê xứ lạnh… ở các huyện vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, như: Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei xuất hiện ngày càng nhiều. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở những huyện này cũng giảm từ 8% trở lên, tức là cao gấp đôi so với mục tiêu giảm nghèo mà tỉnh Kon Tum đề ra. Với những thành quả đạt được trong năm 2022, đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum tự tin bước vào năm mới 2023 với kỳ vọng vươn lên tạo đột phá trong lao động sản xuất trên cơ sở nắm bắt, sử dụng khoa học công nghệ.
Theo VOV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/dua-khoa-hoc-cong-nghe-ve-lang-giup-nong-dan-thoat-ngheo-o-kon-tum-a24453.html