Là địa bàn có đông công nhân làm việc, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, trên địa bàn quận có khá đông công nhân, người lao động và chỉ tính riêng công ty PouYuen có hơn 54.000 lao động. Năm nay, mức thưởng Tết tại PouYuen nhìn chung cao hơn năm trước từ 20 - 30%. Theo đó, tùy thâm niên mà mức thưởng cao nhất người lao động nhận được là 2 tháng lương và 1 tháng dành cho người làm vừa đủ một năm. Mức tăng này tương ứng với công nhân trực tiếp sản xuất có thu nhập thấp nhất khoảng 6,5 triệu đồng, cao nhất gần 26 triệu đồng.
"Sau khi thống kê các doanh nghiệp trên địa bàn, đa số doanh nghiệp đều thưởng Tết là 1 tháng lương cơ bản và có một doanh nghiệp thưởng tết cho người lao động cao nhất là 300 triệu đồng", bà Lê Thị Ngọc Dung cho biết thêm.
Theo báo cáo của UBND quận Bình Tân, khảo sát tại 142 doanh nghiệp có 30 lao động trở lên trên địa bàn, quận có 32.000 công nhân trong 26 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do cắt giảm đơn hàng. Những trường hợp này được công ty bố trí nghỉ phép năm, nghỉ luân phiên. Riêng tại Công ty Tỷ Hùng, do gặp khó khăn vì cắt giảm đơn hàng nên công ty quyết định cho 1.200 công nhân thôi việc. Ngay sau đó, công ty này phối hợp cùng quận, TP Hồ Chí Minh có những chính sách hỗ trợ cho người lao động, những ai có nhu cầu tìm việc làm được bố trí việc mới, còn lại chủ yếu là số lao động muốn về quê.
Tương tự, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, trong 130 đơn vị gửi báo cáo về thưởng Tết, có 1 đơn vị thưởng Tết cao nhất là 121 triệu đồng, 1 doanh nghiệp trả lương thưởng 300.000 đồng (đây là một trung tâm ngoại ngữ với 8 lao động). Trong Tết 2023, để chăm lo chu đáo cho người lao động, huyện sẽ tập trung chăm lo cho 2.500 lao động ở lại Tết trên địa bàn với số tiền khoảng 2 tỉ đồng. Mặt khác, khảo sát tại địa phương, một số doanh nghiệp do gặp khó khăn về thiếu nguyên liệu nên có cắt giảm lao động, luân phiên đổi giờ làm cho người lao động. Những doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động, quận sẽ quan tâm chăm lo chu đáo cho người lao động để đảm bảo ai cũng có cái Tết ấm cúng, đầy đủ...
Báo cáo tình hình lao động cắt giảm tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, qua khảo sát, trong khu chế xuất có tình trạng giảm đơn hàng, có 1 doanh nghiệp giảm lao động (25 người, giải quyết chế độ đầy đủ); các doanh nghiệp còn lại giải quyết cho người lao động nghỉ phép năm, bố trí cho làm việc 2 - 3 ngày trong tuần, trường hợp hết hạn hợp đồng lao động thì không tái ký.
"Dự báo tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, có 240 doanh nghiệp có đơn hàng bị ảnh hưởng, trong đó có 42% doanh nghiệp bị giảm đơn hàng với mức giảm trung bình 20%. Ngành giảm đơn hàng là ngành cơ khí hóa nhựa, dệt may, da giày… Vì vậy, đơn vị đang phối hợp với doanh nghiệp để có thể chăm lo cho người lao động bằng việc tăng cường kết nối giới thiệu việc làm mới cho những lao động bị thất nghiệp; thăm hỏi, tặng quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà Tết cho công nhân ở lại đón Tết nguyên đán tại TP Hồ Chí Minh...", bà Minh Thư nói.
Liên quan đến vấn đề thưởng Tết, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, chỉ có hơn 300 doanh nghiệp gửi báo cáo kế hoạch thưởng Tết Quý Mão 2023 cho Sở, trong khi trên địa bàn có khoảng 300.000 doanh nghiệp. Với số lượng báo cáo như hiện tại, Sở chưa thể dự báo, so sánh mức tiền thưởng của năm nay so với mọi năm. Vì vậy, các đơn vị vẫn đang tiếp tục thống kê số lượng doanh nghiệp gửi báo cáo về tình hình lương thưởng Tết năm 2023. Tuy nhiên, nhìn chung năm nay các doanh nghiệp đều cố gắng thu xếp các khoản kinh phí cần thiết để bố trí có lương, thưởng Tết nhằm giữ chân người lao động.
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong dịp Tết Dương lịch năm 2022, mức thưởng bình quân cho người lao động ở TP Hồ Chí Minh là gần 4,1 triệu đồng/người và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, người lao động nhận được mức thưởng bình quân 8,88 triệu đồng/người. Mức thưởng Tết Nguyên đán năm ngoái cao nhất tại TP Hồ Chí Minh là gần 1,3 tỷ đồng/người thuộc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các ngành nghề có mức thưởng cao là điện - điện tử, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, hóa mỹ phẩm, tư vấn bất động sản, công nghệ thông tin…
Đồng tình với những khó khăn của doanh nghiệp khi cố gắng xoay xở chăm lo Tết cho người lao động, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang có 110.000 lao động bị ảnh hưởng, chủ yếu là không tăng ca, làm luân phiên; 6.300 lao động mất việc làm vì doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng... Do đó, các cơ quan đoàn thể, công đoàn, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cần cập nhật tình hình cắt giảm lao động thường xuyên để có thể hỗ trợ kịp thời cho người lao động gặp khó khăn do thất nghiệp dịp cuối năm. Mặt khác, TP Hồ Chí Minh cũng cần đảm bảo việc chăm lo đời sống an sinh cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Chia sẻ thông tin về tình hình chăm lo Tết, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, tổng kinh phí tổ chức các hoạt động và chăm lo Tết Quý Mão năm 2023 là gần 927 tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với Tết Nhâm Dần. Năm nay, Thành phố tăng mức hỗ trợ chủ yếu với các trường hợp gia đình chính sách, người có công, người trực tiếp tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, cán bộ hưu trí, trẻ em mồ côi; tăng mức quà cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tp-ho-chi-minh-dam-bao-cham-lo-doi-song-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-dip-cuoi-nam-a24447.html