Hội đồng thẩm định Bộ TN&MT thông qua dự thảo Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định cấp Bộ của Bộ TN&MT đã họp và cho ý kiến thông qua dự thảo Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch môi trường quốc gia đầu tiên của Việt Nam.

 

c7f2741a92734a2d1362(1).jpgThứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại cuộc họp

Theo Tổng cục Môi trường, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 274/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì hoàn thiện dự thảo Quy hoạch. Mục tiêu nhằm cụ thể hóa Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thích ứng với kịch bản biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu về BVMT và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Chia sẻ về nội dung Dự thảo Quy hoạch, đại diện nhóm tư vấn, PGS.TS Lê Thế Anh cho biết, dựa trên Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch tập trung đánh giá hiện trạng và diễn biến 4 đối tượng quy hoạch, tình hình phát sinh chất thải, tác động của biến đổi khí hậu, tình hình quản lý và bảo vệ môi trường trên cả nước.

PGS.TS Lê Thế Anh cho biết, 4 đối tượng quy hoạch gồm: phân vùng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, mạng lưới quan trắc môi trường.

Đánh giá chung 4 đối tượng quy hoạch, PGS.TS Lê Thế Anh cho biết, về phân vùng môi trường, đây là quy định mới trong hệ thống pháp luật về BVMT của Việt Nam. Hiện nay, các tỉnh, thành phố đang thực hiện phương án phân vùng môi trường trong quá trình lập quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, cần lưu ý để thống nhất với Quy hoạch BVMT quốc gia trong thời gian tới.

e83bc7f5269cfec2a78d.jpgGS.TS Nguyễn Thị Kim Thái, Uỷ viên phản biện đánh giá dự thảo Quy hoạch

Về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hệ thống các Khu Bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam hiện nay có nhiều khu có giá trị đa dạng sinh học rất cao, cần được ưu tiên bảo vệ. Nhìn chung, vùng sinh thái ưu tiên toàn cầu là những khu vực rộng lớn, phân bổ trên địa bàn nhiều tỉnh và các vùng sinh thái khác nhau. Các vùng sinh thái ưu tiên chủ yếu ở cảnh quan rừng, cảnh quan núi, đầu nguồn các hệ thống sông lớn, các vùng biển, hải đảo ở Việt Nam.

Về khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, quy hoạch quản lý chất thải rắn các cấp từ vùng liên tỉnh, vùng tỉnh đến vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được quan tâm lập, phê duyệt và triển khai theo phân cấp quản lý trong thời gian qua. Đến nay, nhiều địa phương đã lập, phê duyệt và triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn, nhưng quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nhiều địa phương chưa quan tâm xử lý chất thải nguy hại.

Về mạng lưới quan trắc môi trường, các ngành, các cấp và các địa phương đã triển khai thực hiện quan trắc môi trường ở nhiều mức độ khác nhau phục vụ việc quản lý môi trường của mình. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có bước đột phá. Mật độ một số mạng lưới quan trắc môi trường chưa đủ dày để phản ánh đầy đủ hiện trạng môi trường. Một số quy hoạch môi trường chưa được triển khai…

Trong kỳ quy hoạch từ năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự thảo Quy hoạch đề ra mục tiêu chủ động ngăn ngừa, kiểm soát tốt tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm đảm bảo cho phát triển bền vững đất nước; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Quy hoạch cũng nêu quan điểm, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ môi trường; định hướng BVMT quốc gia dựa trên 4 đối tượng quy hoạch; danh mục dự án ưu tiên; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch.

2bcb42afa3c67b9822d7.jpgQuang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, các ý kiến của ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản đều đánh giá cao dự thảo quy hoạch, đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tuân thủ quy trình lập quy hoạch và có hồ sơ pháp lý đáng tin cậy. Nội dung quy hoạch dựa trên kết quả quá trình phân tích kỹ lưỡng, đánh giá chi tiết hiện trạng môi trường từ nhiều nguồn cơ sở dữ liệu; đảm bảo tính phù hợp, khoa học và có độ tin cậy cao; thể hiện xu hướng phát triển bền vững của Việt Nam phù hợp với xu thế chung toàn cầu. Theo Hội đồng, Quy hoạch là công cụ rất hữu hiệu để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, các thành viên phản biện và đại diện các Bộ, các chuyên gia đầu ngành cũng góp ý nhiều vấn đề, nhấn mạnh yêu cầu đồng bộ quy hoạch với Luật Quy hoạch và các quy hoạch khác liên quan; rà soát số liệu đảm bảo tính thống nhất; luận giải rõ hơn việc dự báo xu thế và lựa chọn các định hướng để tăng sức thuyết phục; làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và phân kì thực hiện các giải pháp…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu nhóm tư vấn tiếp thu phản biện, góp ý của các thành viên hội đồng, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch. Trong đó, bổ sung những vấn đề liên quan đến môi trường biển, môi trường đất; lồng ghép, kết hợp quan trắc môi trường với quan trắc thuỷ văn nhằm giảm chi phí đầu tư; đồng nhất số liệu, chuẩn hóa ngôn ngữ…

Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là quy hoạch môi trường đầu tiên của quốc gia, cần thể hiện một cách nhất quán và phù hợp với các quy hoạch đa dạng sinh học, quy hoạch biển, quy hoạch đất đai, quy hoạch khí tượng thủy văn. Thứ trưởng yêu cầu đơn vị tư vấn và Tổng cục Môi trường tiếp tục làm việc với các Tổng cục Khí tượng thủy văn, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam Tổng cục Quản lý đất đai để làm rõ những vấn đề này.

“Quy hoạch cần tạo hành lang cho đầu tư phát triển theo hướng bền vững, bắt kịp xu thế của thời đại trong chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế thân thiện môi trường” Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Sau khi thảo luận, Hội đồng đã bỏ phiếu về hồ sơ quy hoạch. Kết quả 100% ý kiến thông qua với điều kiện cần chỉnh sửa bổ sung, thẩm định.

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hoi-dong-tham-dinh-bo-tnmt-thong-qua-du-thao-quy-hoach-bao-ve-moi-truong-quoc-gia-a24406.html