Lưu ý khi mua và bảo quản thực phẩm
Theo Cục An toàn thực phẩm, một trong những cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm là nên lưu ý khi mua và chế biến các loại thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc như các loại hải sản, rau và hoa quả tươi...
Các loại hải sản, rau, thịt tươi sống đều có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Ví dụ như thịt heo, thịt bò sống cũng có thể nhiễm khuẩn salmonella, E.coli, yersinia và nhiều loại vi khuẩn khác.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, nhiều người thường có thói quen bỏ những loại thực phẩm mua dư vào tủ lạnh. Tuy nhiên mỗi loại thực phẩm sẽ có một cách bảo quản khác nhau. Do đó, nếu muốn phòng tránh ngộ độc thực phẩm thì cần biết cách bảo quản thực phẩm đúng và an toàn.
Khi chế biến thực phẩm cần đặc biệt chú ý đến việc lựa chọn nguyên liệu. Nên chọn những loại thực phẩm tươi ngon và đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Theo đó, những loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật thường rất dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là vào những ngày thời tiết nóng bức.
Khi ăn uống bên ngoài, nên lựa chọn quán ăn, nhà hàng đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Có thể lựa chọn những hàng quán quen, có bếp ăn, sạch sẽ, bát đĩa, đồ dùng được giữ sạch và thức ăn cũng được chế biến cẩn thận. Với phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch yếu nên đặc biệt thận trọng khi ăn uống bên ngoài.
Khi đi du lịch, cần phải hết sức cẩn thận để tránh ngộ độc phẩm, đặc biệt là khi du lịch ở những vùng xa xôi, hẻo lánh,... Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch, tốt nhất là nên chuẩn bị các loại đồ khô, thực phẩm đóng gói và tiệt trùng, ưu tiên lựa chọn các loại thức ăn nóng và nấu chín. Ngoài ra cũng cần tránh ăn các loại đồ tươi sống, hạn chế ăn thức ăn đường phố và các loại trái cây bóc vỏ được bày bán sẵn.
Cách nhận biết và sơ cứu ngộ độc
Triệu chứng cụ thể của ngộ độc thực phẩm tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây nên:
Nếu nguyên nhân do vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố từ vi sinh vật (độc tố vi khuẩn tiết ra): Người bệnh thường chỉ biểu hiện bệnh ở đường tiêu hóa (như đau bụng, nôn, tiêu chảy), có thể kèm theo các biểu hiện của mất nước (như khát nước, khô môi), nhiễm trùng (thường là sốt, vã mồ hôi).
Nếu nguyên nhân do thực phẩm nhiễm hóa chất, không có chất độc tự nhiên: Bệnh nhân có biểu hiện phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hóa mà cả ở các cơ quan khác, ví dụ như hệ thần kinh (đau đầu, chóng mặt), tim mạch (nhịp tim nhanh, trụy mạch).
Nếu nguyên nhân do chính các loại thực phẩm này vốn đã có độc tố: Bệnh xuất hiện ngay sau khi ăn các loại thực phẩm nhất định mà trong tự nhiên được biết là có thể có chứa độc tố, ví dụ như sắn, măng, cá nóc, cóc,...
Khi nhận biết thấy ngộ độc thức ăn cần xử trí đúng cách. Trước hết cần ngừng không ăn thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, để tránh tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.
Nếu người bệnh tỉnh táo cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ hết thức ăn độc ra ngoài. Có thể gây nôn bằng cách cho người bệnh uống một cốc nước lọc hoặc nước pha muối (0,9%). Dùng ngón tay đè vào gốc lưỡi, ép cơ thể nôn được càng nhiều thức ăn trong dạ dày càng tốt. Sau đó cho người bệnh nằm nghỉ, nhưng phải được theo dõi, nếu có triệu chứng bất thường cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất, càng sớm càng tốt.
Đối với trường hợp có biểu hiện tiêu chảy, mất nước thì cần uống bù nước điện giải càng sớm càng tốt, nhằm bổ sung lượng đã mất và lượng theo nhu cầu hàng ngày của cơ thể, để ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra. Sau đó cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được chăm sóc theo dõi...
Theo Pháp luật Việt Nam
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bo-y-te-chi-cach-phong-tranh-ngo-doc-thuc-pham-dip-tet-a24317.html