Người lao động xếp hàng nhận bảo hiểm 1 lần
Gần 6h sáng, hàng trăm người ngồi thành hàng ở trụ sở cơ quan Bảo hiểm xã hội TP. Thủ Đức, TP.HCM chờ lấy số vào làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Trong số họ, có những người đã đi lại lần thứ 3, thứ 4 do những lần trước đến muộn nên không còn số, hoặc có sai sót về số liệu trong sổ BHXH. Có người lao động còn mang theo xôi, bánh mì ăn sáng tại chỗ.
Các lao động cho biết, lượng người đến làm thủ tục lấy sổ bảo hiểm đã ít hơn rất nhiều so với những ngày đầu tháng:
“Xác định việc của em làm ở nhà luôn, em không có nhu cầu đóng nữa thì em rút thôi. Chồng em đã đóng bảo hiểm rồi nên em cũng rút thôi. Tại nó cũng không được bao nhiêu cả”.
“Lần này là lần thứ 2 rồi mới được vô tới đây để ngồi, còn mấy lần trước toàn hàng chờ ngoài cổng, chờ đông sắp số lâu quá, đến lượt mình thì mình phải đi về rồi”.
“Em đi 3 lần rồi. Ngày đầu tiên đi lúc 7h là hết số, lần thứ 2 thì em bị trục trặc số tháng trong tham gia, lần thứ 3 thì em nộp về công ty điều chỉnh nhưng tới nay còn y nguyên luôn, giờ em đi nốt chỉnh lần nữa nè. Sáng nay đi lúc 5h10 là phải ra khỏi nhà rồi”.
Theo cơ quan BHXH TP. Thủ Đức, có 3 nguyên nhân chính khiến lượng người đến nhận BHXH một lần tăng đột biến trong những ngày qua. Đó là, do số người nghỉ việc sau đại dịch COVID-19 tăng lên, do TP. Thủ Đức được sáp nhập 3 từ quận huyện cũ nên hồ sơ dồn về một điểm. Đáng nói là người dân ở các tỉnh tập trung về TP.HCM làm thủ tục rất nhiều, mặc dù đã có quy định mới là có thể nộp hồ sơ ở bất cứ địa phương nào. Điển hình mới hôm qua, có trường hợp người lao động đi xe máy từ Vĩnh Long lên TP. Thủ Đức nộp hồ sơ.
Bà Nguyễn Thị Minh Hòa, Giám đốc BHXH TP. Thủ Đức cho rằng, nhân viên rất áp lực với lượng hồ sơ lớn và thường xuyên làm việc ngoài giờ. BHXH TP. Thủ Đức đã bố trí 2 bàn tư vấn hướng dẫn riêng cho những người đến làm hồ sơ xin rút BHXH một lần, giải thích về những lợi ích khi duy trì BHXH và thiệt thòi khi nhận trợ cấp một lần: “Tình hình khách nhận hồ sơ BHXH 1 lần đông như hiện nay thì bản thân chúng tôi rất trăn trở. Biết rằng khi người lao động quyết định nhận BHXH 1 lần đã có sự cân nhắc vì rất khó khăn. Chúng tôi rất mong người lao động có những sắp xếp để vượt qua được giai đoạn khó khăn này và duy trì BHXH để hưởng chế độ hưu trí khi về già”.
Tình trạng quá tải cục bộ ở cơ quan BHXH phản ánh được thực trạng khó khăn của người lao động và cũng khiến không ít doanh nghiệp ray rứt vì số lao động có thâm niên, tay nghề xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp một lần đang gia tăng.
Bà Võ Thị Hiền, Trưởng phòng Nhân sự Công ty May mặc Quảng Việt (huyện Củ Chi) cho biết, 1 năm ổn định trở lại sau đại dịch COVID-19, từ tháng 2 đến nay, xu hướng người lao động nghỉ việc rất nhiều để chuyển sang làm tự do, đồng thời nhận trợ cấp thất nghiệp và rút BHXH một lần. Tại công ty, cứ một dây chuyền may khoảng 27, 28 công nhân thì có 7 đến 8 người nghỉ việc. Doanh nghiệp, công đoàn cơ sở tư vấn rất nhiều, song người lao động không nghe, chỉ muốn giải quyết những vấn đề trước mắt chứ không muốn hưởng lương hưu.
Thiệt đơn, thiệt kép
Tính từ đầu năm đến 30/11, TP.HCM ghi nhận 99.615 người nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần, tăng 460 người so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn năm 2020 khoảng 14.000 người. Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, số người rút BHXH một lần năm nay có tăng nhưng không đáng kể, chỉ tăng đột biến vào một số thời điểm. Lần thứ nhất vào đầu tháng 4, khi các biện pháp giãn cách xã hội gỡ bỏ hoàn toàn, người dân tập trung nộp hồ sơ. Lần thứ hai vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 khi các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn, cắt giảm lao động và hạn chế tuyển mới. Lao động không tìm được việc, kết hợp với cận Tết, họ không còn thu nhập nên chọn hưởng chế độ BHXH một lần. Lúc này, khoản tiền bảo hiểm là nguồn hợp pháp duy nhất mà họ có.
Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cũng cho biết, hiện thành phố đã có 46 điểm tiếp nhận hồ sơ của bưu cục và 22 điểm tiếp nhận của BHXH các quận huyện để người lao động biết và lựa chọn nơi phù hợp, không nhất thiết phải đến cơ quan bảo hiểm nơi cư trú.
Ông Trần Dũng Hà cho rằng, nhiều người rút trợ cấp một lần sẽ gây nhiều hệ luỵ, đầu tiên là người rút sẽ không có lương hưu khi hết tuổi lao động, tiếp theo việc đông người rút sẽ ảnh hưởng chính sách chung của Nhà nước về việc đảm bảo an sinh cho người dân: “Đã có những bài toán so sánh giữa việc chọn BHXH 1 lần và chọn hưởng lương hưu, trong trường hợp chọn lương hưu thì trong vòng 5 năm sẽ nhận được số tiền bằng đúng số tiền nhận BHXH 1 lần. Chọn nhận BHXH 1 lần, người lao động sẽ không Bảo hiểm Y tế, mà nếu muốn có BHYT thì phải tự bỏ tiền túi mua, mà quyền lợi thì không cao bằng”.
Mục đích cuối cùng của việc tham gia BHXH là khi về già, người lao động có lương hưu, có nguồn thu nhập. Như vậy khi người lao động còn trẻ chọn trợ cấp 1 lần chính là đang sử dụng nguồn tài chính tích lũy cho tương lai trong thời điểm hiện tại. Dẫu có những lý do chính đáng, song nếu người lao động cố gắng thêm một chút thì khi về già sẽ có nguồn thu nhập, không phải phụ thuộc vào con cái, không phải sống bằng trợ giúp của xã hội, Nhà nước.
Theo báo VOV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/do-xo-di-rut-bhxh-mot-lan-loi-bat-cap-hai-a24195.html