Thái Bình: Điểm sáng trong phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

Thái Bình là tỉnh lẻ có thu nhập của người dân ở các xã, thị trấn chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Dù vậy, Thái Bình lại là một trong những địa phương phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt kết quả khá cao.

Đưa chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện thực sự đi vào cuộc sống

Đến hết tháng 11/2022, Thái Bình có 1.615.970 người tham gia bảo hiểm y tế , chiếm 86,2% dân số toàn tỉnh trong đó bảo hiểm y tế hộ gia đình có 479.703 người tham gia. Có 2.085.393 lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng 199.093 lượt so với năm 2021). Công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt hơn 4.720 tỷ đồng, tăng 540,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, đạt 89% dự toán được giao.

Bà Phạm Hồng Thắm (45 tuổi), ở xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 1 năm nay. Tiền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là số tiền bà tích góp hằng ngày nhờ buôn bán nhỏ ở chợ xã. Bà Thắm chia sẻ: “Qua vận động, tuyên truyền của ban, ngành, đoàn thể địa phương, tôi thấy được lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, như: được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được lãnh lương hưu hằng tháng, được hưởng chế độ tử tuất... nên tôi tham gia và vận động người thân cùng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”.

1-1670921042.jpg
Tỉnh Thái Bình thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh minh họa

Anh Hoàng Lịch, 34 tuổi làm nghề sửa xe máy tại Đông Hưng, Thái Bình chia sẻ, ba năm trước anh bị tai nạn phải nằm viện điều trị hơn 2 tuần, chủ quan nghĩ tuổi còn trẻ, cơ thể khỏe mạnh nên không tham gia bảo hiểm y tế. Khi gặp tai nạn, phải điều trị nội trú và chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh đã khiến gia đình anh đối mặt với những khó khăn về tài chính. 

Lúc này anh mới thật sự hiểu tầm quan trọng của bảo hiểm y tế: “Nếu tham gia bảo hiểm y tế thì gia đình tôi sẽ bớt được nhiều chi phí điều trị”. Anh Lịch cho biết thêm, từ đó đến nay, mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng anh và gia đình luôn dành ra 1 khoản tiền tham gia bảo hiểm y tế cho tất cả các thành viên.

Quyết tâm tăng tỉ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện

Về phía bảo hiểm xã hội huyện Quỳnh Phụ, bà Nguyễn Thị Phương cho biết: “Chúng tôi tham mưu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội duy trì phối hợp các ngành liên quan, các hội đoàn thể tổ chức hoạt động tuyên truyền thường xuyên, liên tục, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng” vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chúng tôi củng cố, phát triển mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên phủ khắp địa bàn khu dân cư và đến từng hộ gia đình người dân để thực hiện công tác này".

Để tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các chương trình phối hợp thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh. 

Năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về thực hiện tốt các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân. Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình đã chú trọng vận động, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế trong hội viên Hội liên hiệp phụ nữ và hội viên Hội Nông dân bằng các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt chỉ tiêu chung của thành phố trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, tỉnh Thái Bình đã ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai, phối hợp các ngành liên quan, các hội, đoàn thể, ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và giao chỉ tiêu thực hiện.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân nâng cao nhận thức về việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đồng thời, chủ động ký kết phối hợp với các ngành liên quan: giáo dục, y tế, các đoàn thể… tổ chức hội nghị khách hàng tiềm năng, tuyên truyền, đối thoại, tư vấn, giải thích các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 

Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền tại cơ sở nhằm phát triển người dân tham gia bảo hiểm y tế đặc biệt là bảo hiểm y tế hộ gia đình; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai hiệu quả việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp khi đi khám chữa bệnh và tăng cường công tác giám định bảo hiểm y tế. Chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên rà soát, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những thủ tục hành chính không phù hợp nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Có thể nói, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta. Việc đưa chính sách bảo hiểm y tế đi vào cuộc sống với hơn 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế khẳng định thành quả, quyết tâm trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó, có sự những đóng góp quan trọng của Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam - cơ quan tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị.

Phương Cúc

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thai-binh-diem-sang-trong-phat-trien-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-a24058.html