Thực phẩm bẩn, không an toàn luôn là nỗi lo đau đáu của nhiều người, đặc biệt là trong trường học hay các bếp ăn tập thể.
Gần đây, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường Ischool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khiến gần 700 học sinh nhập viện, trong đó có 1 học sinh tử vong đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo đó, cơ quan chức năng đã phát hiện vi khuẩn Samonella trong mẫu cánh gà chiên có trong bữa ăn của học sinh trường này.
Bên cạnh đó, còn phát hiện vi khuẩn Bacillus Cereus trong mẫu cánh gà chiên và nước mắm. Một vi khuẩn nguy hại khác là Escherichia Coli cũng được phát hiện trong mẫu cánh gà chiên. Như vậy, chỉ trong một miếng cánh gà chiên đã chứa tới 3 loại vi khuẩn nguy hại.
Đây là vụ ngộ độc lớn, vô cùng nghiêm trọng, gióng lên hồi chuông cảnh báo an toàn thực phẩm tại nhiều trường học vẫn đang bị buông lỏng. Khi nghe thông tin về vụ việc, nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng, bất an.
Chị Nguyễn Thu Thùy (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội), có con đang học tại trường Tiểu học Ngọc Hà cho biết, chị hoàn toàn shock khi biết tin hàng trăm học sinh ăn bán trú bị ngộ độc phải đưa đi cấp cứu. Chị mong sao, các loại thực phẩm mà các nhà trường nhập về nên có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát chặt chẽ trước khi chế biến và đưa lên bàn ăn.
“Bản thân tôi là một phụ huynh, tôi cảm thấy rất lo lắng trước các vụ ngộ độc thực phẩm như vậy. Theo tôi, khâu kiểm duyệt thực phẩm trong các nhà trường phải được thực hiện thật nghiêm, bởi cơ thể các con đang trong quá trình phát triển, còn rất non nớt, sức kháng thể yếu. Nhỡ chẳng may ăn phải thực phẩm không an toàn thì sẽ để lại hậu quả khôn lường”.
Làm thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể nói chung và trong các bếp ăn của trường học nói riêng đang là câu hỏi mà nhiều người đặt ra.
Thầy giáo Hoàng Trung Thuấn, trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) cho hay, là trường có tổ chức ăn bán trú cho hơn 800 học sinh, các thầy cô luôn đồng hành với nhà trường và các con về vấn đề an toàn thực phẩm. Từ nhiều năm nay, nhà trường luôn làm theo quy trình như kiểm tra chặt chẽ các khâu chế biến thực phẩm, lưu các mẫu đồ ăn trong vòng 1 tuần trong tủ y tế, liên tục kiểm tra, nhắc nhở về an toàn thực phẩm đối với nhà bếp.
“Các vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra ngoài ý muốn của nhà trường. Tuy nhiên, qua đây cũng dóng lên báo động là các thầy cô, ban quản lý nhà trường phải quan tâm đến bếp ăn của các con nhiều hơn, bởi liên quan đến sức khỏe, liên quan đến nhiều yếu tố bên ngoài và cũng là điều mà phụ huynh rất quan tâm. Các nhà trường nên quan tâm chặt chẽ hơn nữa đến việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho các con để các con có thể có những bữa cơm ngon, an toàn, chất lượng”, thầy Hoàng Thuấn cho hay.
Cũng theo thầy Thuấn, các nhà trường phải kiểm tra nguồn gốc đầu vào của thực phẩm, có kiểm định về chất lượng thực phẩm, không nhập nguồn thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Ngoài thực phẩm thì các loại gia vị cũng cần được cơ quan chức năng đóng dấu, kiểm định chất lượng; Cùng với đó, công tác vệ sinh bếp núc, nồi niêu, xoong chảo cũng phải được kiểm tra kỹ, khi lên các thành phẩm, quy trình nấu ăn phải được kiểm duyệt hết sức thận trọng thì khi đó sản phẩm đến các con mới tốt và an toàn.
Các chuyên gia y tế cho rằng, ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chính từ phía nhà cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho trường học; nguyên nhân do không đảm bảo việc kiểm tra nguyên liệu đầu vào kỹ càng, môi trường chế biến tại bếp ăn của nhà trường không đảm bảo yêu cầu, khu vệ sinh ăn uống, đồ dùng ăn uống không được vệ sinh cẩn thận.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra đều xuất phát từ nguyên nhân do thực phẩm nhiễm khuẩn… Trong các nhà trường, khi để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc thức ăn hay tai nạn thương tích thì chịu trách nhiệm đầu tiên vẫn là người đứng đầu của nhà trường đó.
Vấn đề vệ sinh thực phẩm, an toàn vệ sinh VSTP đã được quy định rất rõ trong luật vệ sinh thực phẩm, quy định trong các luật vệ sinh an toàn TP của Bộ Y tế cũng như các hướng dẫn của bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đầu vào của bếp ăn, phải có giấy chứng nhận, xác nhận được nhà trường ký hợp đồng với cơ quan cung ứng.
Nếu các nhà trường thực hiện đúng luật vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện đúng các quy định của bộ Giáo dục và Đào tạo thì chắc chắn không thể xảy ra các vụ ngộ độc đáng tiếc và thương tâm như vậy
“Phải có trách nhiệm liên đới của cơ quan y tế của địa phương, cần tích cực kiểm tra đầu vào, bởi cho dù cho nhà trường có hội phụ huynh, có các cô giáo giám sát, cảm quan bên ngoài về thức ăn trông tươi ngon nhưng không thể biết được có hóa chất phun, tẩm, ướp trong thức ăn, rau, thịt hay không? Vì thế, trong các quy định đưa ra thì cơ quan chịu trách nhiệm về VSATTP của địa phương đó phải kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất, có xét nghiệm, có kiểm tra giám sát để phát hiện ra những hóa chất độc hại. Ngoài ra, Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể, kiểm tra giám sát, tránh để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm gây chết người”, ông Nguyễn Trọng An cho hay.
Về giải pháp, trước tiên cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm. Thứ hai, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, các khâu như chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
Theo VOV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/de-khong-con-noi-lo-an-toan-thuc-pham-a23975.html