TP HCM: Số bệnh nhi mắc viêm màng não tăng mạnh

Số lượng trẻ nhập viện vì viêm màng não đang có dấu hiệu tăng lên, một số bé vài tháng tuổi đã bị biến chứng viêm màng não, có mủ bám dưới màng cứng.

Ngày 8/12, Ths.BS Nguyễn Đình Qui, Quản lý Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, cho biết số lượng trẻ nhập viện vì viêm màng não đang có dấu hiệu tăng lên. Khoa hiện đang điều trị 26 trường hợp viêm màng não, trong đó có 3 bé bị biến chứng nặng. Cách đây vài tuần, chỉ có khoảng 10-15 trẻ mắc bệnh lý này phải nhập viện. 

Bác sĩ Qui cho biết 3 trẻ bị biến chứng viêm màng não mủ đều dưới 12 tháng tuổi. Các bác sĩ phải kết hợp với khoa Ngoại thần kinh phẫu thuật cho trẻ để bơm rửa, dẫn lưu mủ ra ngoài, kết hợp tiêm kháng sinh kéo dài.

nhi-dong-1-censored-1129-1670496816.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Hiện tại, tình trạng của trẻ cải thiện nhưng chưa đánh giá được nguy cơ di chứng. Thông thường, bệnh nhi phải điều trị kháng sinh kéo dài từ 8-10 tuần. Nếu ổn định và xuất viện, trẻ vẫn phải tái khám định kỳ. 

Theo bác sĩ Qui, một số ca viêm màng não biến chứng rất nhanh, phụ huynh không trở tay kịp. Điển hình là trường hợp trẻ 1,5 tháng tuổi được chuyển từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên TP.HCM sau 2 ngày sốt cao. 

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trẻ được chọc dò xét nghiệm và cho kết quả bị viêm màng não mủ. Không đợi tìm tác nhân gây viêm màng não, các bác sĩ phải gấp rút sử dụng kháng sinh mạnh. Tuy nhiên, trẻ đáp ứng không như mong đợi.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Khoa Nhiễm Thần kinh phải điều trị hơn 20 ca viêm màng não, 6 ca viêm não. Tình trạng này được đánh giá có xu hướng tăng so với những tuần trước.

Viêm màng não là một căn bệnh nguy hiểm, khiến trẻ có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, tổn thương vĩnh viễn hệ thần kinh và não bộ, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn E.coli, HiB, não mô cầu, phế cầu, lao… hoặc virus, ký sinh trùng, nấm. Nếu không phát hiện sớm, trẻ mắc bệnh dễ bị tổn thương não nặng nề, có thể tử vong.

Triệu chứng của bệnh gồm sốt, quấy khóc nhiều, đau đầu, nôn ói, thóp phồng (ở trẻ nhũ nhi còn thóp) hoặc cổ gượng (ở trẻ lớn). Bên cạnh đó, các triệu chứng thần kinh nặng nề hơn là co giật, yếu liệt khu trú, rối loạn tri giác (kích thích, li bì, hôn mê…).

Các phương pháp phòng ngừa viêm màng não ở trẻ nhỏ

Dùng giấy che miệng cho trẻ khi ho, hắt hơi, sau đó vứt giấy vào thùng rác;

Rèn luyện cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, với xà phòng khử khuẩn;

Cho trẻ nghỉ ngơi đủ giấc;

Vệ sinh cá nhân cho trẻ thường xuyên;

Không cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác;

Rèn luyện thể dục, thể thao thường xuyên;

Thực hiện chế độ dinh dưỡng đủ chất, đảm bảo vệ sinh;

Đối với thai phụ, tránh ăn các thực phẩm chế biến sẵn, chưa qua tiệt trùng;

Tiêm vaccine cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.

T.H.

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tp-hcm-so-benh-nhi-mac-viem-mang-nao-tang-manh-a23856.html