Ông Guterres cho biết, các hoạt động của con người đang gây thiệt hại cho các khu rừng, rừng rậm, đất nông nghiệp, đại dương, sông, biển và hồ. Cuộc chiến của loài người với tự nhiên chính là cuộc chiến với chính chúng ta.
Ngoài ra, một triệu loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Do đó, chúng ta cần các chính phủ xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia đầy tham vọng nhằm bảo vệ và gìn giữ những món quà thiên nhiên. Chúng ta cần các doanh nghiệp và nhà đầu tư đặt vấn đề bảo vệ lên hàng đầu trong kế hoạch kinh doanh của họ, đồng thời đầu tư vào các phương pháp khai thác và sản xuất bền vững trong mọi mắt xích trong chuỗi cung ứng của họ.
Ông nhận định, hành động khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học là hai mặt của cùng một vấn đề. Ông kêu gọi các khuôn khổ pháp lý cứng rắn và các biện pháp công khai, minh bạch nhằm chấm dứt tình trạng cung cấp thông tin sai lệch để đánh bóng thương hiệu và buộc khu vực tư nhân phải chịu trách nhiệm.
Hơn nữa, các nước đang phát triển cũng phải được tiếp cận trực tiếp hơn, đơn giản hơn và nhanh hơn với nguồn tài chính rất cần thiết. Ông Guterres cho rằng các quốc gia phát triển cần hỗ trợ tài chính cho các quốc gia ở Nam bán cầu với tư cách là những người giám sát tài nguyên thiên nhiên của thế giới sau nhiều thế kỷ bị khai thác và mất mát.
Ông Guterres cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải sát cánh với người dân bản địa, cộng đồng địa phương và thanh niên - “những người bảo vệ đa dạng sinh học hiệu quả nhất” theo cách gọi của ông.
Trước đó, Tổng Thư ký LHQ đã gặp một số người bảo vệ đa dạng sinh học và lắng nghe những lo ngại của họ về tình hình mất đa dạng sinh học, cũng như các vấn đề liên quan, đặc biệt là nhân quyền. Theo ông, những chia sẻ của họ rất phù hợp với nguyên tắc rằng nhân quyền phải là trung tâm của mọi việc chúng ta làm liên quan đến môi trường và cũng là vấn đề trọng tâm của Hội nghị COP15.
Mai Đan
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/lien-hop-quoc-keu-goi-tang-cuong-hanh-dong-de-bao-ve-thien-nhien-a23844.html