Ma túy “núp bóng” thực phẩm, thuốc lá điện tử
Ma túy ngụy trang dưới dạng thực phẩm như nước hoa quả, kẹo, socola… không mới nhưng các đối tượng vẫn coi đây là thủ đoạn dễ tiêu thụ trót lọt nên vẫn thường áp dụng. Đặc biệt, các đối tượng chủ yếu thông qua mạng xã hội giao dịch nên việc bắt giữ các đối tượng gặp khó khăn. Trong khi đó, người dân nhận diện loại ma túy này không phải dễ dàng nên việc sử dụng đã gặp phải ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe đang là vấn đề báo động.
Điển hình ngày 29-11, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân Phạm Thị C (SN 1966), trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, đồng tử giãn. Các bác sỹ xét nghiệm cho kết quả có chất THC (thành phần cần sa) trong nước tiểu. Thông tin điều tra từ thân nhân, được biết do bệnh nhân ăn bỏng ngô của người cháu mua qua mạng xã hội.
Ngay lập tức, cơ quan Công an đã khẩn trương điều tra, xác định gói bỏng ngô do con trai bà mua qua mạng xã hội với giá 80.000 đồng, tính cả tiền ship. Sau đó, do có mùi khét nên người con đã không dùng và để trên bàn ăn nên bà C đã ăn phải. Sau khi thấy mẹ ăn và có dấu hiệu bất thường, con bà C hỏi trên nhóm đặt mua lúc trước thì đã bị chặn và xóa hết thông tin.
'Thủ đoạn của đối tượng quá tinh vi, song người mua lại khó nhận diện nên đã gây ra những hệ lụy khôn lường cho bản thân người dùng và xã hội' - Chỉ huy Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy CATP Hà Nội nhìn nhận.
Trước đó, tháng 9-2022, Công an quận Nam Từ Liêm, điều tra khám phá các đối tượng thông qua mạng xã hội liên kết với nhau hình thành các nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma túy ở các địa bàn khác nhau. Hình thức chủ yếu là thông qua hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng hình thức giao hàng online, với mặt hàng thuốc lá điện tử, thảo mộc sấy khô, sau đó phun, tẩm các dung dịch chứa chất ma túy loại ADB-Butinaca.
Chất ADB-Butinaca, thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp, mới được đưa vào quản lý theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25-8-2022 của Chính phủ quy định các Danh mục chất ma túy và tiền chất. Khi sử dụng nó gây ra ảo giác, kích thích thần kinh trung ương giống như hoạt chất THC có trong cần sa. Tuy nhiên, khác là chất ADB-Butinaca được tổng hợp từ các hóa chất, các đối tượng điều chế để tạo ra chất này, có tác dụng tương tự như hoạt chất ma túy cần sa.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Qua điều tra của PV An ninh Thủ đô, thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện tinh dầu cần sa (CBD), để trộn vào tinh dầu thuốc lá điện tử. Theo đó, CBD là một chiết xuất cần sa có chứa hàm lượng cao CBD và một ít hoặc không có THC (thành phần chính trong cây cần sa, cho cảm giác “phê”).
Thực tế hiện nay không phải người bán nào cũng biết các chất, tinh dầu trong của hàng của mình là hàng cấm, hoặc có chất ma túy. Do vậy, đã xảy ra tình trạng khó kiểm soát cả đầu vào lẫn đầu ra. Cùng với đó là thủ đoạn “núp bóng” của người kinh doanh, muốn bán được hàng đã đùng các thủ đoạn che giấu hoặc làm ngơ.
CAQ Tây Hồ kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh Vape Hair, số 54 An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ bán hàng trăm sản phẩm tinh dầu thuốc lá điện tử không có nguồn gốc
Vừa qua, qua nắm tình hình địa bàn, CAQ Tây Hồ đã kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh Vape Hair, số 54 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ bán hàng trăm sản phẩm tinh dầu thuốc lá điện tử không có nguồn gốc giấy tờ. Đây là loại hàng trôi nổi, có thể gây nguy hại cho sức khỏe người dân.
Trung tá Châu Ngọc Hà, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - CAQ Tây Hồ cho biết: “Để hoạt động kinh doanh hàng hóa không nguồn gốc, cơ sở này treo biển làm tóc thời trang nhưng thực chất là bán thuốc lá điện tử, tinh dầu thuốc lá điện tử không nguồn gốc xuất xứ. Đây là loại hàng hóa nguy hại, ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng, nhưng hiện nay giới trẻ thường hay sử dụng”.
Liên quan đến thuốc lá điện tử không xuất xứ nguồn gốc, ngày 9-11, các bác sĩ Khoa Sức khỏe vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận trường hợp em N.A (nam giới 12 tuổi) là học sinh một trườngTHCS ở Hà Nội đến cấp cứu trong tình trạng khó thở và co giật. Theo thông tin từ gia đình bệnh nhân, gần đây bị bạn bè rủ rê, cháu đã sử dụng thuốc lá điện tử.
Thấy biểu hiện lạ của con, gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương và được theo dõi, điều trị tại Khoa Sức khỏe vị thành niên. Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử mà học sinh này sử dụng gửi đến Viện Pháp y quốc gia để tìm độc chất và kết quả cho thấy có thành phần của một số chất gây nghiện.
Theo TS. BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương: “Bệnh nhân bị ngộ độc chất gây nghiện do sử dụng thuốc lá điện tử”.
Theo chuyên gia khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai, thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng (thường chứa nicotine), biến dung dịch này thành hơi cùng những luồng khói có hương thơm để người hút có thể hít vào phổi. Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch - loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp. Tuy nhiên, một số thành phần chất ma túy cũng có thể được cho vào dưới dạng chất lỏng để tăng cảm giác của người dùng, không rõ nguồn gốc và nồng độ, vì thế gây ra những hệ lụy khôn lường cho học sinh.
Công an phát hiện loại ma túy núp bóng thực phẩm, bánh kẹo
Theo thượng tá Phạm Quỳnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy CATP Hà Nội: “Để góp phần ngăn chặn các loại ma túy núp bóng thực phẩm, thuốc lá điện tử, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc, chung tay của gia đình và nhà trường đóng vai trò rất quan trọng”.
Cơ qua công an khuyến cáo, đối với gia đình, bố mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe con, quan sát các hoạt động trong cuộc sống của con cái trên cơ sở đồng hành. Đồng thời, phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của con, em mình, quản lý con, em mình chặt chẽ, để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện những dấu hiệu lạ của con, phụ huynh cần liên hệ bác sỹ hoặc chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Cùng với đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên nói chung không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội.
Theo An ninh thủ đô
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/canh-bao-su-nguy-hai-cua-chat-kich-thich-ma-tuy-gay-ao-giac-a23781.html