Hàng nghìn sinh viên bị đuổi học mỗi năm: Lỗi tại ai?

Quản lý đào tạo các trường đại học cho rằng hàng nghìn sinh viên bị đuổi học mỗi năm ngoài nguyên nhân từ sinh viên còn trách nhiệm của chính nhà trường.

Người học lười biếng, chọn sai nghề

TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết sinh viên bị đuổi học ngoài lý do kết quả học tập yếu kém còn một số nguyên nhân khác như tự bỏ học vì có hướng đi khác; lựa chọn lại ngành học sau khi đã trúng tuyển; hụt hẫng bởi sự khác biệt giữa phương pháp dạy học phổ thông và đại học, không theo kịp nên nản chí và “rơi rụng” dần; bị tác động bên ngoài nên không tập trung vào việc học dẫn tới kết quả kém. 

thi-sinh-1813-1670382045.jpeg
Thí sinh khi đăng ký vào đại học cần có định hướng nghề nghiệp.

Theo ông Lý, ngay từ khi trúng tuyển, sinh viên phải xác định việc học đại học rất khác với phổ thông. Bậc đại học cần sự tự giác, tự lập kế hoạch tập và tự học, tự nghiên cứu với sự hướng dẫn của giảng viên. Dù muốn hay không, sinh viên phải xác định rõ nhiệm vụ chính là học tập và nghiên cứu, không sa đà vào việc khác dẫn đến lơ là học tập để bị cảnh báo học vụ. 

Về sâu xa, thí sinh khi đăng ký vào đại học cần có định hướng nghề nghiệp. Khi đặt bút đăng ký vào ngành nghề nào thì phải hiểu rõ về nghề đó. Thí sinh phải biết lượng sức mình, không chọn những nghề cao siêu vượt quá năng lực bản thân bằng cách tham khảo các tiêu chí như chỉ tiêu, chương trình đào tạo, nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường...

Ông Lý khuyên thí sinh nên dành 18-20 phút để trắc nghiệm khám phá năng lực bản thân, định hướng cho cả cuộc đời, trong đó phải ưu tiên cho sở thích, sở trường của mình, cần thấy sự khác biệt giữa thích và phù hợp. Thí sinh không nên bảo thủ, cực đoan mà hãy nghe lời khuyên của những người đi trước để biết mình có bị "ngộ nhận" khi lựa chọn ngành nghề hay không.

Trách nhiệm của nhà trường 

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, mỗi năm có khoảng 4% sinh viên bị buộc thôi học. Ông Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo nói rằng, con số này đã giảm so với trước đây. 

Theo ông, để hạn chế sinh viên bị đuổi học, những năm gần đây, nhà trường đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ sinh viên như triển khai công tác cố vấn học tập, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp, mở lớp học miễn phí, hoặc cho sinh viên chuyển ngành khác nếu đủ điều kiện.

318018562-1157588854862773-8311973883271878944-n-1811-1670382030.jpeg
Sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM trong lễ tốt nghiệp.

Ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng thông tin, để hạn chế việc đuổi học, trường có nhiều giải pháp như tăng cường việc tuyển sinh đúng người, hỗ trợ tài chính, động viên sinh viên trong quá trình học tập, tạo môi trường học tập tích cực, lành mạnh, thân thiện, đồng hành cùng người học.

Ngoài ra, nhà trường cũng có thêm nhiều hoạt động góp phần gia tăng chất lượng đào tạo như hỗ trợ lãi suất cho sinh viên vay vốn học tập, nhằm hạn chế nguyên nhân ngừng học vì lý do tài chính; Xây dựng các không gian học tập mới, giảng đường mới, nâng cấp phòng thí nghiệm, khu thể dục thể thao giúp sinh viên hứng thú trong học tập và gia tăng tiếp thu kiến thức; Các chương trình cùng nhau học tập như đôi bạn cùng tiến, trợ giảng, giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ, đồng hành với sinh viên.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, vẫn còn nguyên nhân khác tác động đến phía người học như mâu thuẫn giữa yêu cầu nâng cao chuẩn đầu ra với việc kéo tỉ lệ nghỉ học giảm xuống.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng sinh viên bị đuổi học có một phần trách nhiệm của nhà trường mà đôi khi lý do đơn giản là giảng viên không đủ trình độ giảng dạy. Do vậy, việc đầu tiên là các trường phải có đội ngũ giảng viên chuẩn. Thứ hai, các trường nên có kênh tư vấn hay các clip hướng dẫn sinh viên về cách đăng ký môn học, xem điểm, quản lý thời gian, cách vượt qua môn. Nếu có thể, trường nên có một bộ phận gửi email hoặc nhắn tin đến từng sinh viên. 

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hang-nghin-sinh-vien-bi-duoi-hoc-moi-nam-loi-tai-ai-a23767.html