Nhiều vụ việc xâm hại trẻ em chưa bị đưa ra xét xử
Theo báo cáo 217/BC-CP của Chính phủ về việc thực hiện các chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em cho thấy, chỉ tính từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và hành chính 8.091 vụ xâm hại trẻ em với 8.079 trẻ bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục là 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ bị xâm hại. Tuy nhiên, những vụ việc được báo cáo và đưa ra xét xử này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi rất nhiều vụ việc không được tố giác do sự kỳ thị của xã hội, xấu hổ, sợ hãi và thiếu niềm tin vào hệ thống tư pháp.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết, trẻ em gái có nguy cơ bị xâm hại tình dục nhiều hơn trẻ em trai. Số trẻ em gái từ 12 đến 15 tuổi bị xâm hại tình dục chiếm 57,46% tổng số vụ xâm hại. Đáng chú ý, số trẻ dưới 6 tuổi bị xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ 13,2% và có rất ít vụ bị đưa ra xét xử. Đơn cử như năm 2017, cả nước xảy ra hàng trăm vụ xâm hại tình dục trẻ em nhưng mới có 10 vụ được đưa ra xét xử.
Theo Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em chưa bị đưa ra xét xử là do nạn nhân và người thân không dám tố giác hoặc tố giác muộn; chấp nhận dàn xếp, xử lý nội bộ. Nạn nhân còn nhỏ tuổi, bị dư chấn bởi hành vi xâm hại nên lời khai thường thiếu chính xác, hoặc khai theo ý của người giám hộ nên rất khó thu thập tài liệu chính xác…
Bà Đinh Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cũng cho biết: Tỷ lệ trẻ em dùng Internet cao sẽ kéo nguy cơ trẻ em có thể bị xâm hại trên mạng. Trong khi đó, báo cáo “Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam, bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng” chỉ ra rằng trẻ em từng hoặc có thể bị bạo lực và xâm hại tình dục thường không kể với ai về chuyện đã xảy ra, người được chia sẻ nếu có là bạn bè. Hầu như rất ít trẻ em sử dụng cơ chế trình báo chính thức để trao đổi với Công an hay qua đường dây nóng, tổng đài hỗ trợ và phần lớn cũng không kể lại với người chăm sóc.
Hoàn thiện quy định pháp luật để tăng tính răn đe
Tại hội thảo quốc tế “Chia sẻ chuẩn mực quốc tế và các điển hình tốt trên thế giới trong phòng, chống tội phạm xâm hại phụ nữ và người chưa thành niên, bài học kinh nghiệm và khuyến nghị cho Việt Nam” do Học viện ANND phối hợp với Bộ Tư pháp và UNICEF tổ chức, một số chuyên gia chỉ ra rằng, theo Điều 1 Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc thì trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi. Trong khi đó, tại Điều 1 Luật trẻ em năm 2016, trẻ em được ghi nhận là người dưới 16 tuổi.
Vấn đề này cần được nghiên cứu để mở rộng phạm vi, tăng cường hơn nữa hiệu lực bảo vệ trẻ em khỏi sự xâm hại của tội phạm. Riêng đối với hành vi xâm hại trẻ em, quy định của pháp luật của Việt Nam cũng đang theo hướng liệt kê các hành vi xâm hại tình dục mà chưa bao quát hết, chưa dự báo hết các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Do vậy, rất cần có hướng dẫn thống nhất cách hiểu đối với nội dung này.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, dù đã có nhiều giải pháp được triển khai với mục tiêu bảo vệ trẻ em nói chung, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng nói riêng nhưng giáo dục cần phải đi trước một bước. Các nhà quản lý cần đẩy mạnh nhiều chương trình giáo dục về an ninh mạng cũng như giáo dục trí thông minh kỹ thuật số cho trẻ em.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Phó Trưởng Khoa Luật, Học viện ANND, từ những những bất cập, vướng mắc trong các quy định về các tội xâm phạm tình dục trẻ em cũng như yêu cầu nội luật hoá phù hợp với quy định của các văn bản pháp luật quốc tế có liên quan, việc hoàn thiện Luật Hình sự cần bổ sung một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em có tính chất nghiêm trọng như tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em.
Bên cạnh đó, cũng cần có hướng dẫn quy định cụ thể các hành vi dâm ô đối với người đủ từ 16 đến 18 tuổi cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự; cần sửa đổi các quy định liên quan đến khung hình phạt và các quy định xác định chủ thể của tội phạm. Lý do là hiện các nhóm tội phạm về xâm hại tình dục được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều thay đổi so với Bộ luật Hình sự năm 1999 nên nếu vẫn giữ nguyên khung hình phạt với tội danh này là không phù hợp.
Từ việc nghiên cứu các mô hình bảo vệ trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục tại một số quốc gia trên thế giới, TS Lê Thị Nga, Trưởng Khoa Luật Hành chính, Trường ĐH Huế cho rằng, kinh nghiệm từ các quốc gia thành công cho thấy, trụ cột của việc bảo vệ trẻ em là có cơ quan trung ương đủ mạnh; có hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em; cán bộ hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến trẻ em đáp ứng đủ điều kiện về năng lực cá nhân; có hệ thống các dịch vụ và nguồn lực cho trẻ em ở cấp độ quốc gia và các đơn vị chính quyền địa phương.
Theo báo Công an nhân dân
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bao-ve-tre-em-truoc-nguy-co-bi-xam-hai-tinh-duc-a23764.html