Cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở người già gia tăng do trời lạnh

Vài ngày rét đậm đầu mùa vừa qua, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã có tình trạng tăng nhẹ các ca bệnh nhập viện do đột quỵ, viêm phổi, nhất là ở người cao tuổi…

 

Lượng bệnh nhân đột quỵ thường gia tăng trong các đợt rét đậmLượng bệnh nhân đột quỵ thường gia tăng trong các đợt rét đậm

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa - Bệnh viện Châm cứu trung ương, mỗi khi thời tiết chuyển lạnh, số lượng bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đến khám tại đây thường gia tăng.

Trong đợt rét đậm này, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 trường hợp. Qua hỏi bệnh, các ca bệnh vào điều trị tại bệnh viện này hầu hết là do mở cửa, đi ra ngoài trời buổi sáng khi nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có sự chênh lệch lớn.

Bác sĩ Dũng cho biết, cơ chế gây bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là do tiếp xúc với nguồn lạnh một cách đột ngột.

Dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với da, nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh này sẽ bị co lại gây ra tổn thương. Chỉ cần vài giây khi tiếp xúc với nguồn lạnh, người bệnh đã có thể mắc bệnh.

Còn theo bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ - Bệnh viện Lão khoa trung ương, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm. Thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ nếu không xử trí kịp thời.

Các bác sĩ cảnh báo, thông thường sau mỗi đợt lạnh, lượng bệnh nhân đến khám sẽ tăng cao hơn. Lý do vì khi thời tiết chuyển rét, một số người có sức đề kháng kém có thể bị viêm phế quản, viêm phổi… Với những người có bệnh nền phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiệt độ giảm đột ngột còn gây co thắt thanh quản, tạo ra các đợt cấp tính nguy hiểm.

Để phòng bệnh, nhất là phòng đột quỵ ở người cao tuổi khi trời lạnh, các bác sĩ khuyến cáo, điều quan trọng đầu tiên là cần giữ ấm cơ thể, không ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn. Nên uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc ngủ dậy...

Riêng với người bị tăng huyết áp cần kiểm soát tốt chỉ số huyết áp. Khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế chuyên sâu trong vòng ít nhất 4-5 giờ đầu, cùng lắm là trong 6 giờ đầu để được cấp cứu kịp thời.

Theo Sức khỏe Đời sống

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/canh-bao-nguy-co-dot-quy-o-nguoi-gia-gia-tang-do-troi-lanh-a23680.html