Mặc dù chi phí đầu vào liên tục tăng gây áp lực lên giá thành sản xuất điện, song theo lãnh đạo Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng đang rà soát, nhằm đảm bảo minh bạch, khách quan trong điều hành mặt hàng này.
Áp lực chi phí đầu vào
Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, hiện chi phí đầu vào cho sản xuất điện trên thế giới, khu vực và Việt Nam đều tăng cao, ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện.
Phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện theo Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện và Bộ Công Thương đang cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát theo đề xuất này theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ.
"Giá đầu vào sản xuất điện tăng, nên cần có sự điều chỉnh giá bán lẻ nhưng tăng ở mức nào thì phải rà soát, sau đó đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định," Thứ trưởng Hải nói.
Trong khi đó, báo cáo của EVN cho thấy, từ đầu năm 2022, do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao.
“Theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng,” đại diện tập đoàn này cho biết.
Chia sẻ thêm vấn đề này, ông Phan Tử Lượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, cho biết do giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao, khiến chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng mạnh; do đó làm tăng chi phí mua điện trên thị trường điện của EVN.
Ước tính giá bán điện bình quân ước cả năm 2022 của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc là 1.786 đ/kWh, trong khi giá mua điện trên thị trường điện của Tổng công ty là 2.500,46 đ/kWh.
Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực miền Bắc có các khoản vốn vay ODA để đầu tư lưới điện, với tình hình tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh hiện nay làm lỗ chênh lệch tỷ giá của Tổng công ty ước đến thời điểm này là 756 tỷ đồng.
“Có thể nói, xung đột giữa Ukraine và Nga khiến giá nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của thế giới và Việt Nam,” ông Phan Tử Lượng nói.
Tối ưu các chi phí
Để tiết giảm chi phí, EVN đã triển khai nhiều giải pháp, đơn cử: Tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên; Cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa tài sản cố định; Tạm chi lương cho cán bộ công nhân viên bằng 80% mức lương bình quân năm 2020... đồng thời, thực hiện các giải pháp về tối ưu hóa dòng tiền, thực hiện thu cổ tức của các công ty cổ phần có vốn góp của EVN trong năm 2022.
Bên cạnh đó, EVN cũng vận hành tối ưu hệ thống điện để phát tối đa nguồn thủy điện (có chi phí thấp); Điều phối các hợp đồng mua than, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện; nỗ lực đàm phán với các chủ đầu tư các nhà máy điện BOT về sản lượng phát điện để tối ưu hóa chi phí chung.
EVN tối ưu hóa các chi phí để giảm giá thành sản xuất điện. (Ảnh: evnhanoi)
Theo tính toán, tổng các khoản EVN đã cố gắng để giảm lỗ nêu trên đạt khoảng 33.445 tỷ đồng và tác động làm giảm chi phí sản xuất của EVN, ngoài ra chi phí khâu truyền tải, phân phối, phụ trợ năm 2022 và chỉ bằng 92,8% so với năm 2021.
Dù tiết giảm chi phí, song kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng năm 2022 của Công ty Mẹ - EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng.
Đại diện tập đoàn cho rằng, trong bối cảnh tình hình tài chính như vậy sẽ dẫn tới nguy cơ có rất nhiều khó khăn trong năm 2022 và các năm tiếp theo trong một số vấn đề. Trước hết là khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.
Vấn đề tiếp theo là trong vài năm gân đây, chi phí sửa chữa lớn đã phải cắt giảm chi phí theo định mức từ 10-30% và việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới. Ngoài ra là khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để đảm bảo cung ứng điện.
Chưa kể giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới vẫn ở mức cao tỷ giá ngoại tệ USD liên tục tăng trong thời gian qua. Đồng thời, tỷ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ (như thủy điện) có xu hướng giảm và tăng tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao.
“Trong bối cảnh có nhiều khó khăn chung do nhiều yếu tố, ngành điện sẽ cố gắng, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đã được giao trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước,” đại diện EVN cho hay./.
Đức Duy (Vietnam+)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/dieu-chinh-gia-dien-ra-soat-cac-chi-phi-dam-bao-dung-quy-dinh-a23616.html