Hà Nội rét đậm đột ngột, dự báo số người khám bệnh gia tăng

Sau quãng giảm nhiệt đột ngột, nhiều người dân tại Hà Nội phải đi khám do gặp các vấn đề liên quan đường hô hấp.

Thời tiết rét đậm đe dọa sức khỏe của nhiều người. (Ảnh: Quốc Toàn)

Trong ngày cuối cùng của tháng 11, người dân Hà Nội lần lượt trải qua 2 mức nhiệt chênh nhau tới xấp xỉ 10 độ C. Song song với đó là 2 kiểu thời tiết trái ngược nhau khi ban ngày nắng nóng, chiều tối lại mưa giông, gió lạnh.

Thời tiết mưa, rét đậm với nhiệt độ 12-14 độ C tiếp tục duy trì mang tới nhiều nguy cơ cho sức khỏe người dân.

Số lượng bệnh nhân đi khám sẽ tăng trong thời gian tới

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) một ngày sau khi thời tiết tại Hà Nội chuyển biến rõ rệt, số lượng bệnh nhân là người cao tuổi phải tới kiểm tra, thăm khám đã tương đối lớn.

Hàng ghế chờ tới lượt gặp bác sĩ thăm khám lâm sàng và thanh toán chi phí đã gần như được lấp kín ở một số phòng nhất định thuộc khoa Khám bệnh.

Ông N.V.T., bệnh nhân chờ khám, chia sẻ: “Buổi sáng, số lượng người ở đây còn đông hơn. Đa phần cũng là những ông, bà lớn tuổi, đề kháng kém nên vậy”.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Khám bệnh, cho biết với kiểu thời tiết như hiện nay, số lượng bệnh nhân tới khám trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng cao.

Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, số người tới khám do các vấn đề phát sinh từ sự thay đổi nhiệt độ vẫn chưa đột biến.

Nguyên nhân là thời tiết thay đổi quá nhanh cũng kết hợp mưa cũng khiến các bệnh nhân ngại ra ngoài dù đây cũng là một biện pháp phòng bệnh. Mặt khác, các bệnh lý này cũng cần thời gian để các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn.

“Trước khi các triệu chứng bộc lộ rõ ràng, bệnh nhân khi chưa thấy những sự thay đổi đủ lớn vẫn sẽ cố thích nghi và chịu đựng”, BS Hằng nói.

Vị chuyên gia cũng khẳng định nhóm có nguy cơ lớn nhất trong thời tiết này là người cao tuổi và trẻ em. Tuy nhiên, những người trẻ, khỏe mạnh vẫn đứng trước những nguy cơ nhất định về sức khỏe.

"Có rất nhiều nguyên nhân nhưng chúng ta có thể thấy vấn đề ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng rất lớn tới sức đề kháng của con người trong thời gian qua. Mặt khác, mô hình bệnh tật hiện nay cũng đã có nhiều thay đổi. Người trẻ lại là nhóm hay chủ quan", bà lý giải.

Cần luôn có sự chuẩn bị

“Thông thường, không khí khi đi vào đường hô hấp phải được sưởi ấm. Tuy nhiên, thời tiết rét đậm như hiện nay khiến gió lạnh đi vào mũi, họng, làm giảm nhiệt tại những cơ quan thuộc đường hô hấp, từ đó gây ra các tình trạng như viêm họng, viêm xoang…”, BS Nguyễn Thị Thu Hằng giải thích.

Một số người có sức đề kháng yếu thậm chí có thể bị viêm phế quản, viêm phổi… Với những người có bệnh nền phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiệt độ giảm đột ngột còn gây co thắt thanh quản, tạo ra các đợt cấp tính nguy hiểm.

Theo vị chuyên gia này, một số mặt bệnh thường gặp nhất trong bối cảnh thời tiết rét đậm như hiện nay là tăng huyết áp, viêm đường hô hấp, viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phổi, đột quỵ, hội chứng tiền đình do co thắt mạch máu não, thiếu máu não…

nhap vien do ret dam anh 5

Người cao tuổi vẫn là nhóm có nguy cơ lớn nhất trong thời tiết lạnh. (Ảnh: Quốc Toàn)

Tuy nhiên, BS Hằng cũng lưu ý không phải cứ khi thay đổi thời tiết, các vấn đề này mới xuất hiện.

Cụ thể, cơ thể con người rất nhạy cảm với những thay đổi, dù nhỏ, của môi trường. Do đó, trước khi thời tiết chuyển lạnh vào buổi tối, ngay từ buổi sáng, một số người đã có thể xuất hiện tình trạng như hoa mắt, chóng mặt, tăng huyết áp…

Trong bối cảnh đó, BS Hằng khuyến cáo cách tốt nhất để phòng bệnh là cố gắng tránh bị tác động đột ngột từ môi trường. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là đảm bảo sức đề kháng của cơ thể.

“Tuy nhiên, đây lại là yếu tố đòi hỏi cả một quá trình dài từ trước chứ không phải đến bây giờ chúng ta mới thực hiện”, vị chuyên gia nói.

Theo đó, để có một sức đề kháng tốt, chúng ta phải ăn uống đúng giờ, đủ các chất gồm đạm, tinh bột, chất béo và vitamin, song song với tập thể dục thường xuyên. Chế độ sinh hoạt phải đảm bảo khoa học.

BS Hằng cũng cảnh báo nhiều người trẻ hiện nay thường xuyên thức khuya, sử dụng các chất kích thích… Đây là những yếu tố có thể làm giảm khả năng phòng bệnh của sức đề kháng.

Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết như hiện nay, cách phòng bệnh dễ thấy nhất đương nhiên là bảo đảm mặc đủ ấm khi ra ngoài trời, hạn chế ra ngoài và ở trong môi trường khắc nghiệt.

Cuối cùng, với những người cao tuổi, đã có bệnh mạn tính, BS Hằng nhấn mạnh cần tuân thủ chỉ định uống thuốc do bác sĩ chỉ định khi điều trị ngoại trú, thường xuyên kiểm tra các thông số như mạch, thân nhiệt.

Cuối cùng, nếu cảm thấy có vấn đề khó chịu cơ thể, người dân cần nhanh chóng tới khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và có hướng xử trí phù hợp.

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/zing-newstap-chi-tri-thuc-truc-tuyen-a23580.html