Hơn 30 năm qua, cô Trần Thị Ánh - 71 tuổi; chủ tiệm uốn tóc Ánh trên đường Lý Thường Kiệt ở khóm 1, phường 2, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp - đã dang rộng vòng tay giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống.
Hết lòng với người nghèo, trẻ mồ côi
Xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên khi công việc và gia đình ổn định, cô Ánh bắt đầu thực hiện ước nguyện của mình là giúp đỡ người nghèo.
"Hồi trước mình cũng không có tiền nhiều, khả năng bao nhiêu thì mình giúp bấy nhiêu. Khi đó có nửa giạ gạo thì mình mang đến cho bếp ăn ở bệnh viện, đóng góp vào nấu cơm, cháo phát miễn phí cho bà con. Sau này thấy nghề của mình là hớt tóc nên chuyển sang hớt tóc miễn phí cho các em, các cháu" - cô Ánh kể.
Em Võ Thị Thùy Trang được cô Trần Thị Ánh dạy làm tóc miễn phí và đã thành thạo nghề, được cô trả lương hằng tháng
Ngoài việc đào tạo nghề miễn phí cho các em, hằng tháng, cô Ánh còn cung cấp nhu yếu phẩm cho hơn 10 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn trên địa bàn TP Sa Đéc.
Một chiều tháng 10-2022, thu xếp công việc ở cửa tiệm xong, cô Ánh mang các phần quà gồm: gạo, nước tương, dầu ăn, bột ngọt, đường… đến trao cho các hộ dân khó khăn. Điểm đến đầu tiên là căn phòng trọ của đôi vợ chồng mù - ông Văn Kim và bà Lê Ngọc Lợt ở khóm 2, phường 2.
Cả 2 vợ chồng bà Lợt đều mù lòa, không có việc làm, hằng tháng chỉ nhờ vào số tiền hỗ trợ của nhà nước nên cuộc sống thiếu thốn. "Hơn 5 năm rồi, hằng tháng chị Ánh đều hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm, có tháng còn cho thêm tiền nữa. Nhờ quà của chị Ánh mà đỡ lo một phần chi phí, gia đình tôi cảm ơn chị nhiều" - ông Kim bộc bạch.
Ngoài các trường hợp nhận hỗ trợ hằng tháng, nếu có người nào khó khăn đột xuất cần giúp đỡ, cô Ánh lại hỗ trợ mà không do dự. Trường hợp cô giáo về hưu Võ Thị Hồng Nhung là một ví dụ. Cô Nhung mắc bệnh hiểm nghèo, không đi lại được, phải nằm một chỗ; người con trai bị ung thư cũng phải đi làm kiếm tiền lo thuốc men cho mẹ. Biết được gia cảnh khó khăn này, gần 1 tháng nay, cô Ánh đã đến tận nhà hỗ trợ họ. Hằng ngày, cô đặt cháo mang đến cho cô Nhung mỗi buổi sáng, rồi mua thêm nệm, sữa, tã…
Nhờ sự giúp đỡ và chăm lo này của cô Ánh mà cô Nhung đã khỏe nhiều hơn. Cô Nhung xúc động: "Nhà có 2 mẹ con mà ai cũng bệnh tật hết, nhờ chị Ánh thương tình hỗ trợ nên cũng đỡ nhiều. Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn chị".
Bà Lưu Thị Xuân Hoa - ngụ khóm 5, phường 1, TP Sa Đéc - người thân của cô Võ Thị Hồng Nhung, cảm phục: "Tôi thấy cô Nhung không phải bà con thân thiết gì mà được chị Ánh quan tâm chăm lo như người thân vậy, tấm lòng chị quá tốt".
Tích cực tham gia hoạt động từ thiện ở địa phương
ThS Nguyễn Hoàng Phong - Tổ Công tác xã hội thuộc Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc - cho biết 6 năm qua, cô Ánh luôn đồng hành với bệnh viện để hỗ trợ nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Cô Trần Thị Ánh tặng quà và tiền hỗ trợ vợ chồng mù ở phường 2, TP Sa Đéc
"Khi nhận được thông tin về những bệnh nhân đến khám, điều trị, mắc bệnh hiểm nghèo mà không có người thân hay những trường hợp đến sinh con, bệnh nhi, bị tai nạn… thuộc diện nghèo khó, cô Ánh đều sẵn sàng giúp trả viện phí. Với những trường hợp chi phí điều trị quá cao, thông qua bạn bè, người thân, nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương, cô Ánh vận động họ hỗ trợ, giúp đỡ đóng viện phí. Cô tham gia các hoạt động từ thiện bằng cả sự nhiệt tình, mọi người rất quý tấm lòng của cô" - ThS Phong khẳng định.
Ở địa phương, cô Ánh cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội và từ thiện khác. Ông Phan Văn Châu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Sa Đéc - nhìn nhận ngoài việc tự làm từ thiện, mỗi khi Hội Chữ thập đỏ có các hoạt động thiện nguyện thì cô đều tham gia tích cực.
Theo ông Châu, cô Ánh là người có tâm thiện nguyện. Cô đã nhiệt tình và tự nguyện tham gia nhiều hoạt động do Hội Chữ thập đỏ TP Sa Đéc phát động, như: hằng tháng hỗ trợ lương thực, thực phẩm tặng các địa chỉ nhân đạo của hội; hỗ trợ kinh phí tổ chức đưa người nghèo đi mổ mắt ở TP HCM. Ngoài ra, cô còn đóng góp kinh phí, lương thực, thực phẩm tặng những gia đình nghèo, gia cảnh khó khăn; tham gia cắt tóc miễn phí vào các đợt khám chữa bệnh nhân đạo; đóng góp để tổ chức các phiên chợ nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ, đóng góp kinh phí mua nhiên liệu cho xe chuyển viện miễn phí của hội; tặng dụng cụ học tập cho học sinh nghèo...
"Trong đợt cao điểm thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19, chị đã đóng góp tiền, lương thực, thực phẩm để Hội Chữ thập đỏ TP Sa Đéc tổ chức những "Chuyến xe 0 đồng" đưa lương thực, thực phẩm đến với người dân trong các khu cách ly. Trong cuộc sống hằng ngày, chị Ánh là người rất vui vẻ, hết sức quan tâm đến hoạt động nhân đạo, tìm cách giúp đỡ những gia cảnh khó khăn" - ông Châu nhận xét.
Còn sức khỏe là còn làm từ thiện
Tiệm tóc của cô Trần Thị Ánh đã hoạt động hơn 20 năm. Hằng ngày, cô trích một phần lợi nhuận từ tiệm tóc và trích thêm tiền của con gái ở nước ngoài gửi về để đóng góp các hoạt động thiện nguyện. Cứ thế, công việc làm từ thiện của cô đã duy trì hơn 30 năm qua.
Cô Ánh trao quà cho một trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo
Đến nay, dù tuổi đã cao nhưng cô Ánh luôn nguyện với lòng còn sức khỏe là còn cống hiến. Đáng quý là những việc làm của cô đều được các con ủng hộ và noi theo.
Cô Trần Thị Ánh tâm sự: "Tôi cầu mong mình có sức khỏe để tiếp tục công việc giúp đỡ mọi người. Tôi nguyện với lòng là sẽ làm đến khi không còn sức khỏe thì mới thôi. Tôi cũng gửi gắm, dặn dò các con mình rằng làm như vậy mẹ thấy vui. Bây giờ các con thấy việc của mẹ làm tốt thì cứ noi gương mà làm. Mình vừa làm việc để đóng góp cho xã hội cũng vừa giúp ích cho đời".
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu từng căn dặn: "Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp". Những việc làm ý nghĩa vì cộng đồng của cô Ánh trong suốt thời gian qua như bông hoa đẹp tỏa hương thơm ngát, góp phần lan tỏa hành động đáng quý vì cộng đồng trong xã hội.
"Em biết ơn cô Ánh nhiều lắm!"
Qua những lần hớt tóc miễn phí, tặng quà bánh cho trẻ khuyết tật, mồ côi, được tiếp cận những hoàn cảnh khó khăn, cô Ánh quyết định nhận luôn việc dạy nghề miễn phí cho các em. Đến nay, gần 20 trẻ khuyết tật, mồ côi đã được cô dạy nghề và có việc làm ổn định.
Điển hình là trường hợp em Võ Thị Thùy Trang - ngụ khóm 2, phường 2, TP Sa Đéc. Nhà nghèo, cha và ông ngoại bệnh mất sớm, Trang phải bỏ học giữa chừng. Để giúp em có một nghề vừa có thêm thu nhập phụ mẹ trang trải cuộc sống, cô Ánh đã dạy nghề miễn phí. Khi Trang thành thạo, cô nhận em ở lại làm việc rồi trả lương hằng tháng. Trang xúc động: "Nhờ cô Ánh thương giúp đỡ mà giờ em có công việc ổn định, có thêm tiền phụ giúp gia đình. Em biết ơn cô Ánh nhiều lắm!".
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ba-chu-tiem-toc-giau-long-nhan-ai-a23579.html