Virus hợp bào hô hấp (RSV) có thể gây nguy hiểm cho một số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Những trường hợp trẻ có nguy cơ cao nhất mắc bệnh nghiêm trọng do RSV bao gồm:
- Trẻ sinh non.
- Trẻ sơ sinh, đặc biệt là từ 6 tháng tuổi trở xuống.
- Trẻ em dưới 2 tuổi mắc bệnh phổi mạn tính hoặc bệnh tim bẩm sinh (từ khi sinh ra).
- Trẻ có hệ miễn dịch suy yếu.
- Trẻ em bị rối loạn thần kinh cơ, bao gồm cả những trẻ gặp khó khăn khi nuốt hoặc làm sạch chất nhầy tiết ra.
Hầu hết thời gian RSV sẽ gây bệnh nhẹ, giống cảm lạnh, nhưng nó cũng có thể dẫn đến bệnh nghiêm trọng như viêm tiểu phế quản (viêm đường dẫn khí nhỏ trong phổi), viêm phổi (nhiễm trùng phổi).
Trong 100 trẻ em dưới 6 tháng tuổi bị nhiễm RSV, 1-2 trẻ có thể phải nhập viện. Những trường hợp nhập viện có thể cần thở oxy, truyền dịch tĩnh mạch (nếu chúng không ăn uống) và/hoặc thở máy (máy trợ thở). Hầu hết đều cải thiện tình trạng và được xuất viện sau vài ngày.
RSV có thể không nghiêm trọng khi mới bắt đầu. Tuy nhiên, nó có thể trở nên nặng hơn sau vài ngày mắc bệnh.
Các triệu chứng ban đầu của RSV có thể bao gồm sổ mũi, giảm cảm giác thèm ăn, ho, có thể tiến triển thành thở khò khè hoặc khó thở. Trẻ sơ sinh bị nhiễm RSV hầu như luôn có các triệu chứng. Điều này khác với những người lớn đôi khi có thể bị nhiễm RSV và không có triệu chứng.
Ở trẻ nhỏ (dưới 6 tháng tuổi), các triệu chứng nhiễm RSV có thể là cáu gắt, giảm hoạt động, giảm sự thèm ăn, ngưng thở (ngừng thở hơn 10 giây).
Cách phòng ngừa nguy cơ nhiễm RSV ở trẻ nhỏ:
- Rửa tay thường xuyên: Dạy trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây và người lớn cũng vậy. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn.
- Để tay không chạm vào mặt: Dặn trẻ không đưa tay chưa rửa lên mắt, mũi và miệng. Vi trùng lây lan theo cách này.
- Tránh tiếp xúc gần với người bệnh: Tránh tiếp xúc gần, chẳng hạn hôn và dùng chung cốc hoặc dụng cụ ăn uống với những người có triệu chứng giống cảm lạnh.
- Che miệng khi ho và hắt hơi: Che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc ống tay áo sơ mi khi ho hoặc hắt hơi. Vứt khăn giấy vào thùng rác sau đó.
- Làm sạch và khử trùng các bề mặt: Các bề mặt và đồ vật mà mọi người thường xuyên chạm vào, như đồ chơi, tay nắm cửa và thiết bị di động, cần được làm sạch và khử trùng thường xuyên. Khi những người bị nhiễm RSV chạm vào các bề mặt và đồ vật, họ có thể để lại mầm bệnh. Ngoài ra, khi họ ho hoặc hắt hơi, những giọt nhỏ chứa vi trùng có thể rơi xuống bề mặt và đồ vật.
Theo Zing
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/zing-newstap-chi-tri-thuc-truc-tuyen-a23534.html