Ngày 29/11, bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó chủ tịch UBND tỉnh ký công văn hỏa tốc số 8038/UBND-NNTNMT yêu cầu các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật theo đúng quy định.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại cơ sở, hướng dẫn công tác quản lý tổng đàn, tiêm phòng vắc xin, cung cấp đầy đủ vắc xin, thuốc khử trùng cho các huyện, thành phố tổ chức tiêm phòng theo quy định.
Giao Sở Y tế, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành Y tế, tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người như bệnh dại. Chủ động tư vấn tiêm phòng, cung ứng đầy đủ vắc xin phòng dại cho người bị chó, mèo cắn, người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm với bệnh dại.
Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí, phối hợp với Sở, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về bệnh dại. Truyền thông về nguy cơ dịch bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh dại, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả.
UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống bệnh dại động vật. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thống kê và báo cáo chính xác tổng đàn chó, số hộ nuôi chó. Hướng dẫn chủ hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc xích, nhốt. Khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải đeo rọ mõm theo quy định. Lập sổ theo dõi hộ nuôi chó, số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin dại.
Thực hiện tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo đảm bảo tỉ lệ trên 90% trong diện tiêm phòng đối với vùng có dịch, trên 80% trong diện tiêm phòng đối với vùng bị uy hiếp. Đối với, các địa phương còn lại tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin dại, đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng đạt trên 70% so với diện tiêm phòng.
Tiến hành theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn chó, khi phát hiện hay nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan thú y, cơ quan Y tế và các cơ quan liên quan tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh theo quy định.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống truyền thanh cơ sở về tính chất, mức độ nguy hiểm của bệnh dại, nguy cơ dịch phát sinh và các biện pháp phòng, tránh. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia phòng, chống bệnh dại.
Trước đó, theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn (CDC Bắc Kạn), ngày 18/11, Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn tiếp nhận bệnh nhân nữ tên H. T. H (44 tuổi) trú thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ mắc bệnh dại.
Cụ thể, ngày 12/11, chị bắt đầu có dấu hiệu mỏi 2 chân, đau từ đầu gối trở xuống. Bốn ngày sau, chị nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn với lý do không ăn, không ngủ, giật tay chân, hoảng hốt. Bác sĩ chẩn đoán chị bị suy nhược thần kinh, theo dõi rối loạn tâm thần.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện rớt dãi chảy ra khóe miệng, đồng tử 2 bên đều phản xạ ánh sáng dương tính, tăng tiết đờm dãi, buồn nôn, nôn khan liên tục, rùng mình từng cơn, sau nặng dần lên.
Rạng sáng 18/11, tình trạng người bệnh diễn biến xấu nên được chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh rồi chuyển lên bệnh viện tuyến cuối để điều trị. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân đã tử vong sau khi gia đình xin đưa chị về nhà.
Nhận thông tin từ bệnh viện tỉnh về ca bệnh này, CDC tỉnh Bắc Kạn đã điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với virus dại.
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 40 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.
Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Mỗi ngày, virus dại di chuyển được đoạn đường từ 12-24 mm. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.
Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài…, thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
BSCKI Mai Thị Thúy khuyến cáo khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:
- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Hạnh (T/h)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tung-bi-cho-can-4-nam-truoc-nguoi-phu-nu-dot-ngot-tu-vong-vi-benh-dai-a23533.html