Trong căn phòng nhỏ ở ngoại thành Hà Nội, tranh thủ giờ nghỉ trưa, anh Vũ Đình Môn (33 tuổi) ghé qua nhà, phụ giúp vợ dọn dẹp nhà cửa, phơi phóng quần áo cho em bé. Niềm vui nhân đôi khi gia đình vừa chào đón thêm thành viên mới.
Niềm vui hiếm hoi của bệnh nhân máu
Năm 2013, sắp sửa tốt nghiệp ra trường, anh Môn phát hiện mắc bệnh suy tủy xương, căn bệnh khiến cơ thể bệnh nhân thiếu hụt một hay nhiều dòng tế bào máu và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Ngày phát hiện ra là bệnh đã khá nặng, cả thế giới như sụp đổ trước mắt anh bởi tuổi trẻ còn rất nhiều hoài bão ấp ủ.
Suốt một năm sau đó, anh gắn chặt cuộc sống ở Viện Huyết học - Truyền máu trung ương với thăm khám, truyền thuốc điều trị thường xuyên.
Anh nhớ những ngày ở bệnh viện, để cho khuây khỏa, anh thường tìm xuống sảnh viện để hóng gió, rất nhiều lần thấy các hoạt động sôi nổi của tình nguyện viên vận động hiến máu tình nguyện.
Để tạo niềm vui cho chính bệnh nhân, ngay ở viện, những bệnh nhân trẻ như anh Môn cùng tham gia CLB Kết nối Đỏ để gắn kết bệnh nhân các tầng với nhau, đồng thời đến tham dự nhiều chương trình hiến máu lớn để chia sẻ về căn bệnh của mình, động viên nhau chiến đấu với bệnh tật.
"Bản thân tôi là một bệnh nhân được tham gia việc đó nên thấy ý nghĩa, hiểu thêm về các hoạt động hiến máu tình nguyện" - anh bộc bạch.
Về sau khi đã đáp ứng được bằng phương pháp điều trị bằng truyền ATG (một phương pháp điều trị ức chế miễn dịch - PV), anh đã dần hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường.
Nhưng nỗi nhớ về "đội máu" vẫn luôn thường trực, năm 2015 anh đăng ký tham gia Hành trình Đỏ đi dọc các tỉnh, thành phía Bắc để tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu hơn về hoạt động hiến máu tình nguyện.
Hoạt động tình nguyện liên tục suốt cả ngày, nhiều lúc cơ thể thấm mệt nhưng máu tình nguyện thôi thúc, cộng với niềm vui từ các thành viên trong đoàn đã khiến những mỏi mệt nhanh chóng tan biến.
Và khi tham gia Hành trình Đỏ, khi các tình nguyện viên cùng nhau tham gia hoạt động trải nghiệm, anh Môn đã tìm được người phụ nữ của cuộc đời.
Chốt liền sau một tuần
Chị Nguyễn Thúy Vi được phân vào nhóm của anh Môn. Ấn tượng với người đàn ông điển trai, nhiệt tình, hiền lành, chị Vi "bật đèn xanh" ngay.
"Sau một tuần, tôi hỏi anh: Có yêu không? Nếu cảm thấy hứng thú thì yêu thử" - chị Vi bẽn lẽn nhớ lần chủ động tấn công.
Được bạn gái ngỏ lời yêu, nhưng anh Môn không dám gật đầu ngay. Cũng bởi bản thân bệnh tật, anh không muốn người phụ nữ nào phải khổ vì anh. Ngày ấy dù đã đáp ứng thuốc, anh vẫn lo sợ vì đối với bệnh nhân bệnh máu, hiếm có ai được trở lại với cuộc sống bình thường… Nhưng rồi anh đành khuất phục trước "đòn" tấn công tình yêu mạnh mẽ.
Chị Vi nhận mình không phải là người hay nghĩ, nên dù biết anh bị bệnh nhưng chị vẫn thương, thương vì con người anh tốt tính, hiền lành, điềm đạm. Chỉ sau sáu tháng, họ quyết định đăng ký kết hôn. Đến tháng 2-2016, họ tổ chức đám cưới. Đông đảo tình nguyện viên "đội máu" ở khắp nơi đến chúc mừng hạnh phúc cho đôi trẻ.
Yêu đương không trở ngại, nhưng sau đám cưới, trở ngại mới tìm đến. "Lúc ấy truyền hình đưa câu chuyện của vợ chồng thì ở quê mới xôn xao, bố mẹ tôi mới biết chuyện, ai cũng bảo tôi liều" - chị Vi nhớ lại.
Nhưng tình yêu đã giúp họ vượt thắng được khó khăn, vượt thắng được bệnh tật. Gần sáu năm về chung một nhà, họ đón nhận niềm vui với hai thiên thần bé bỏng.
"Nhờ duyên về máu, vợ chồng tôi đã gặp nhau. Cũng nhờ máu đã mang đến cho chúng tôi rất nhiều người bạn thân thiết trải dài từ Bắc vào Nam" - anh Môn bộc bạch.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/giot-mau-quy-trao-nguoi-chot-duoc-vo-nho-doi-mau-a23522.html