Sáng 30/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp”.
Hội thảo nhằm đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực Tư pháp về công tác xã hội; Nâng cao kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội các tỉnh, thành phố; Tuyên truyền nâng cao nhận thức, chất lượng, hiệu quả của công tác truyền thông về công tác xã hội nói chung và công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp nói riêng.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi thông tin: "Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, trong đó có gần 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trên 230.000 người nghiện; hàng trăm nghìn đối tượng bị xâm hại, bạo lực, bạo hành và hàng triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần".
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, Nghị quyết 15 của Trung ương về chính sách xã hội và Nghị quyết Đại hội Đảng qua các giai đoạn đều có các chủ trương, chính sách chăm lo cho người nghèo, người yếu thế... Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách pháp luật để chăm lo cho người dân, nhất là người dân gặp khó khăn.
"Cụ thể, Quốc hội đã ban hành các Bộ luật, luật: Dân sự, hình sự, Luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật, Luật trẻ em… và nhiều chính sách pháp luật có liên quan nhằm chăm lo đời sống cho người dân; Chính phủ đã ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, dân tộc miền núi, nông thôn mới và nhiều chương trình chăm lo cho người thân của người dân yếu thế và những người có khó khăn." - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết.
Tiến sĩ Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng: Hệ thống luật pháp và chính sách của Việt Nam đã có những quy định trong trợ giúp đối tượng là nạn nhân của xâm hại, bạo lực, bóc lột, mua bán tại các Luật, nghị định, đặc biệt đối tượng là người chưa thành niên. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về công tác xã hội tham gia trong hệ thống tư pháp một cách có hệ thống như: Chưa có quy định về vị trí, vai trò, chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của người làm công tác xã hội dẫn đến những hạn chế trong phát triển dịch vụ chuyên nghiệp cũng như đảm bảo quá trình hỗ trợ đối tượng có nhu cầu.
Tiến sĩ Lê Thị Vân Anh cho rằng, hiện nay, đội ngũ người làm công tác xã hội và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực Tư pháp còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Có một số ít các hoạt động hỗ trợ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là nạn nhân, nhân chứng được thực hiện dưới vai trò hỗ trợ của cán bộ bảo vệ trẻ em hoặc kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, năng lực chuyên môn cũng là thách thức do đội ngũ cán bộ này chưa được đào tạo bài bản và chuyên sâu.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Vân Anh, hiện chưa có chương trình đào tạo cả ngắn hạn và dài hạn mang tính hệ thống và chuyên sâu về công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp. Cán bộ làm việc trong lĩnh vực này được đào tạo chung về công tác xã hội và rất ít qua các khoá tập huấn về quản lý trường hợp với trẻ em vi phạm pháp luật. Về vị trí việc làm, cơ chế tuyển dụng, hiện chưa có vị trí việc làm được quy định trong hệ thống pháp luật của nhân viên công tác xã hội trong hệ thống tư pháp hỗ trợ người vi phạm pháp luật.
Từ những phân tích trên, Tiến sĩ Lê Thị Vân Anh cho rằng, đã đến lúc cần nghiên cứu để xây dựng một đạo luật riêng về công tác xã hội. Trong đó có các quy định về công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp.
Có thể tập trung vào một số vấn đề: Các dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp; vai trò, vị trí, chức năng, trách nhiệm của nhân viên trong việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp trong hệ thống tư pháp; cơ chế tuyển dụng người làm công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp; yêu cầu năng lực, trình độ chuyên môn cán bộ làm công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp; quy trình, trình tự triển khai mô hình dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp trong quá trình can thiệp, hỗ trợ đối tượng là người vi phạm pháp luật, người là nạn nhân, nhân chứng như mô hình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; dịch vụ hỗ trợ, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng dành cho người vi phạm pháp luật….
Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp” diễn ra từ ngày 30/11 đến 1/12./.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/can-nghien-cuu-xay-dung-mot-dao-luat-rieng-ve-cong-tac-xa-hoi-a23493.html