Ngày 29-11, Th.BS Đào Trung Hiếu - cố vấn ngoại khoa Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết vừa phẫu thuật thành công cho bé trai sơ sinh có khối u cực lớn ở mặt, cổ, ngực.
Từng làm bác sĩ ngoại khoa khoảng 30 năm, phẫu thuật cho rất nhiều bệnh nhi nhưng ông Hiếu cho biết chưa gặp bệnh nhi nào có u bướu bạch huyết "khủng" như vậy.
"Ngay cả y văn thế giới cũng chưa ghi nhận bệnh nhân nào mang loại bướu này mà có kích thước khủng như bé", ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, bé trai là con bà N.T.T.M., ngụ ở Nhơn Trạch, Đồng Nai. Khi siêu âm khám thai định kỳ lúc thai 6 tháng tuổi, bà M. được bác sĩ cho biết phát hiện thai nhi có bướu.
Khi thai được 36,5 tuần, bà M. được các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ quyết định chấm dứt thai kỳ, mổ bắt con vì bướu ngày càng to và có nguy cơ xuất huyết.
Bé trai ra đời vào ngày 15/11/2022, cân nặng của em bé khi sinh là 4kg, sau khi bóc tách khối bướu nặng nặng 1,1kg, cân nặng của bé còn 2,9kg. Khối bướu này đã chèn ép khí quản sang một bên làm bé thở không được.
Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 xử lý kịp thời khi bé chào đời, kiểm soát đường thở và chuyển ngay về Bệnh viện Nhi đồng 1 để phẫu thuật bướu "khủng" cho bé.
Ê kíp phẫu thuật Bệnh viện Nhi đồng 1 đã cắt gần trọn khối bướu nặng 1,1kg khi bé mới được 3 ngày tuổi. Thời gian phẫu thuật khối bướu mất hơn 4 giờ đồng hồ.
"Khối bướu khủng này đã ăn lên sàn miệng, vào trung thất, khí quản và bao bọc các mạch máu lớn. Ca phẫu thuật khó khăn vì cháu bé có thể tử vong bất cứ lúc nào trên bàn mổ nên các bác sĩ phải bóc tách rất tỉ mỉ", bác sĩ Hiếu chia sẻ.
Tuy nhiên ca mổ đã diễn ra tốt đẹp hơn so với những gì các bác sĩ mong đợi vì đã lấy gần hết khối bướu (khoảng hơn 90% bướu). Còn một phần nhỏ của bướu ở trung thất, các bác sĩ sẽ chích thuốc để bướu bị thoái hóa.
Vấn đề quan trọng hiện nay là không để bé bị nhiễm trùng sau mổ và phải tập vật lý trị liệu cho bé ngay sau khi mổ. Do khối bướu quá lớn, chèn ép toàn bộ vùng đầu, cổ, ngực nên bé bị vẹo cột sống cổ. Hiện bệnh nhi vẫn được hỗ trợ hô hấp nhưng đã ăn uống bằng đường miệng trở lại, sinh hiệu ổn.
Bướu bạch huyết là sự bất thường của hệ bạch huyết, có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên cơ thể, tạo thành các nang, đa phần là bướu lành, thường xuất hiện ở vùng đầu, mặt, cổ, nách.
Trước đây, hầu hết các trường hợp bướu to ở vùng đầu, mặt, cổ gây chèn ép đường thở, bệnh nhân thường được tư vấn bỏ thai ở các cơ sở sản hoặc em bé sẽ tử vong ngay sau khi sinh. Từ năm 2019, với sự phối hợp của hai chuyên ngành Sản – Nhi của Bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1, các bác sĩ đã tiếp nhận điều trị gần 10 trường hợp các em bé có bướu to chèn ép đường thở.
T.H.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tach-thanh-cong-khoi-buou-bach-huyet-nang-11kg-cho-be-so-sinh-3-ngay-tuoi-a23424.html