Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa kịp thời cấp cứu, điều trị bằng thành công cứu bệnh nhân N.T.H. (36 tuổi, trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị nhồi máu não cấp giờ thứ nhất- một dạng của tai biến mạch máu não.
Trước nhập viện một giờ, bệnh nhân có biểu hiện thất ngôn, liệt hoàn toàn nửa người phải, liệt cơ mặt phải. Tại bệnh viện, kết quả CT-scanner sọ não có hình ảnh nhồi máu não vùng đầu nhân đuôi và nhân bèo trái, chưa có tổn thương do xuất huyết não. Các bác sĩ hội chẩn và kết luận chẩn đoán nhồi máu não giờ đầu.
Trong 25 phút kể từ khi nhập viện, bệnh nhân được xử trí cấp cứu bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Khoảng 30 phút dùng thuốc, bệnh nhân đã cải thiện cơ lực, tỉnh táo trở lại, nửa người phải dần cử động được. Sau 3 ngày điều trị phục hồi chức năng, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, nói chuyện, vận động và sinh hoạt bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuyền, Trưởng đơn nguyên Cấp cứu, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết nhồi máu não là một dạng của tai biến mạch máu não, xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, gây hoại tử và chết khu vực não không được cung cấp máu, dẫn đến các chứng đột quỵ và có thể tử vong.
Theo báo cáo của Hội đột quỵ thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi; 6,5 triệu ca tử vong với hơn 6% trong số đó là người trẻ.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 ca đột quỵ và ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc căn bệnh này. Đây là căn bệnh gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới với tỉ mắc ngày càng cao và có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây.
Nguyên nhân theo nhiều bác sĩ là trong cuộc sống hiện đại ngày nay khi nhiều người trẻ có thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh, khoa học, stress, áp lực công việc, căng thẳng thần kinh, ít vận động, lạm dụng thuốc lá, rượu bia, thức khuya…
PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết theo kết quả nghiên cứu về tình hình đột quỵ tại Việt Nam trong thời gian qua tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc, độ tuổi trung bình bị đột quỵ là khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%. Tỉ lệ nam gặp đột quỵ nhiều gấp 1,5 lần so với nữ.
Về các yếu tố nguy cơ, PGS Tôn cho biết kết quả nghiên cứu này ghi nhận có 78% số người bị đột quỵ là do tăng huyết áp. Tỉ lệ người bị đột quỵ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong 6 giờ đầu còn thấp, mới có 33% trong số bệnh nhân được nghiên cứu.
Trước thực trạng này, bác sĩ giới chuyên môn khuyến cáo người trẻ không nên chủ quan, cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bất thường và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.
Khi người nhà đột ngột có những dấu hiệu méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu…, cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị. Không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thanh-nien-ngoai-30-tuoi-bi-tai-bien-bac-si-canh-bao-moi-nguy-co-tu-loi-song-a23313.html