Cả nước đang trải đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn. Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận 10 - 20 ca sốt xuất huyết. Tính chung cả 2 cơ sở hiện có hơn 100 ca bệnh sốt xuất huyết đang điều trị.
Đáng chú ý, theo thống kê tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết có tốc độ diễn biến nặng nhanh bất thường, thậm chí có trường hợp rơi vào sốc chỉ trong 3 ngày.
Cụ thể, thống kê tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ tháng 5.2022 đến nay có 15 ca sốt xuất huyết tử vong, đa số do bệnh nhân nhập viện muộn không thể cứu chữa.
Trong số này, có đến khoảng 50% bệnh nhân có dấu hiệu sốc từ rất sớm. Cụ thể, nhiều bệnh nhân đã đi vào tình trạng sốc từ ngày thứ 3 mắc bệnh. Trong khi thông thường, bệnh nhân thường rơi vào tình trạng này ở ngày thứ 5 - 7.
Sốt xuất huyết có thể chuyển nặng ngay cả khi không xuất huyết
Theo BS Phạm Văn Phúc – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, rất nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết không hề xuất huyết nhưng vẫn bị giảm tiểu cầu rất nặng và tử vong.
Do đó, với những trường hợp mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không chủ quan tự điều trị tại nhà, mà cần đi khám và có sự giám sát của bác sĩ.
Việc bệnh nhân tự ý điều trị theo triệu chứng là rất nguy hiểm. Ví dụ có trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết thấy mệt nên tự đi truyền dịch. Tuy nhiên, nếu chẳng may bệnh nhân có tình trạng tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng, truyền thêm dịch vào sẽ rất nguy hiểm.
“Ngoài ra, cần chú ý, sốt xuất huyết có những dấu hiệu cảnh báo trước. Nếu bệnh nhân không đến viện kịp thời bệnh sẽ diễn biến nặng rất nhanh. Diễn biến này tính bằng giờ”, BS Phúc cho hay.
Theo chuyên gia này, các triệu chứng lâm sàng cảnh báo sốt xuất huyết chuyển nặng có thể kể đến như: mệt lả đi, nôn mửa, đi ngoài phân đen, chảy máu chân răng, chảy máu mũi không cầm được.
Ngoài ra, có một số dấu hiệu cảnh báo khác mà chỉ khi đến bệnh viện kiểm tra mới có thể phát hiện ra như hạ tiểu cầu, gan to.
Cao điểm dịch: Không chủ quan khi có dấu hiệu sốt, mệt mỏi
Theo nhận định của các chuyên gia, giai đoạn hiện nay là đỉnh dịch của sốt xuất huyết.
Người mắc sốt xuất huyết có thể bị xuất huyết, cô đặc máu, tụt huyết áp và thậm chí là dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, thời gian đầu, các triệu chứng lâm sàng của bệnh lại giống với các bệnh sốt virus thông thường, nên có một thực trạng là nhiều người dân có tâm lý chủ quan tự mua thuốc hạ sốt về điều trị tại nhà.
Đến khi bệnh diễn tiến nặng mới vào viện dẫn đến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, đồng thời khiến sức khỏe và thậm chí là tính mạng gặp nguy hiểm.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, trong mùa dịch sốt xuất huyết như hiện nay, nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau hốc mắt..., tốt nhất người dân nên đến các cơ sở y tế để khám sàng lọc sốt xuất huyết, bởi các triệu chứng nặng như cô đặc máu, xuất huyết, tụt huyết áp thường chỉ xuất hiện vào ngày thứ 4, thứ 5 sau khi mắc bệnh, và đến giai đoạn này bệnh nhân có thể bị đe dọa đến tính mạng.
Những ai cần đặc biệt cảnh giác với sốt xuất huyết?
Trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ đang mang thai cần phải nâng cao cảnh giác trong mùa dịch sốt xuất huyết, bởi đây là những đối tượng dễ bị tổn thương bởi căn bệnh này.
Cụ thể, theo phân tích của chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết gây giảm thể tích tuần hoàn nên trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm.
Trong khi đó, người cao tuổi thường mắc các bệnh nền như tiểu đường, bệnh về gan, thận... đều là những nguyên nhân khiến sốt xuất huyết diễn biến nặng hơn nếu mắc phải.
Với phụ nữ mang thai, dù chưa ghi nhận trường hợp virus dengue gây nên dị tật thai nhi, nhưng việc nhiễm virus này có thể dẫn đến trường hợp sảy thai.
Đến nay cả nước ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 115 trường hợp tử vong
Sáng 25.11, tại Hội nghị khoa học năm 2022 do Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức, trình bày tham luận về bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi thời gian gần đây, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đánh giá, số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết ở nước ta tăng mạnh trong năm nay.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 115 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (64.172/24) số mắc tăng 4,9 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp.
Hiện nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 12.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc tương đương năm 2019, cao vượt ngưỡng nguy cơ dịch so với số mắc trung bình trong 3 năm từ 2019-2021 nhưng vẫn thấp hơn số mắc năm 2017 (là năm có dịch sốt xuất huyết bùng phát).
Bộ Y tế cũng nhận định đây đang là thời gian cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, dự báo dịch có thể tiếp tục gia tăng trong cuối tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12.
Theo GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng gia tăng số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết.
"Trong đó, năm nay lưu hành nhiều loại muỗi truyền bệnh, nhiều túyp virus dengeu nên dịch bùng phát nặng nề hơn. Còn về chủ quan, sau cao điểm dịch Covid-19, lực lượng y tế đã quá mệt mỏi. Nhiều nhân viên y tế cơ sở nghỉ việc dẫn đến thiếu nguồn nhân lực, mà dự phòng chống sốt xuất huyết là tại cơ sở và trong cộng đồng là chính.
Công tác đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị còn nhiều bất cập, dẫn đến thiếu hóa chất phun phòng dịch, thậm chí thiếu thuốc phục vụ điều trị. Nhiều cơ sở thiếu dung dịch cao phân tử. Các yếu tố chủ quan và khách quan đã dẫn đến số ca mắc và tử vong đều tăng", GS Kính nói.
Theo các chuyên gia, thời điểm này có thể đang là đỉnh dịch của sốt xuất huyết (thông thường bệnh xảy ra từ tháng 9 đến tháng 11), số mắc có thể sẽ giảm dần trong thời gian tới khi mùa đông đến gần do có liên quan đến yếu tố dịch tễ của muỗi. Tuy nhiên người dân cũng không nên chủ quan trong việc phòng tránh bệnh sốt xuất huyết theo khuyến cáo của ngành y tế, khi mắc bệnh cần theo dõi chặt chẽ phòng nguy cơ biến chứng.
Theo báo Đại biểu Nhân dân
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/cao-diem-dich-sot-xuat-huyet-chuyen-gia-canh-bao-co-the-chuyen-nang-ngay-ca-khi-khong-xuat-huyet-a23271.html