Giải pháp nào cho tăng trưởng kinh tế các nước ASEAN sau dịch Covid-19?

Với chủ đề “Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế có những biến động lớn”, Hội nghị thường niên lần thứ 45 của Liên đoàn các Hội Khoa học Kinh tế ASEAN (FAEA-45) chính thức khai mạc sáng ngày 25/11, tại Hà Nội.

Hội nghị là dịp để các nhà kinh tế của các nước ASEAN trực tiếp gặp gỡ, thảo luận, đánh giá tiến trình phục hồi và triển vọng của các nền kinh tế trong khu vực sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, những tình huống đảo chiều, đột biến và rủi ro khó lường.

hnkt1-1669391533.jpg
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Các dự báo đều cho thấy, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn sẽ giảm mạnh và kinh tế thế giới năm 2023 sẽ rất khó khăn trong bối cảnh lạm phát và mặt bằng lãi suất dâng cao, giá cả năng lượng trồi sụt, tổng cầu yếu và đơn hàng giảm sút, niềm tin của người tiêu dùng ở mức rất thấp và dư địa chính sách đang thu hẹp rất nhanh ở hầu hết các nước. Những yếu tố trên đã tác động mạnh đến các nền kinh tế ASEAN vốn vẫn bị lệ thuộc nhiều vào nền kinh tế bên ngoài.

Phục hồi và phát triển kinh tế đã trở thành tâm điểm tại Hội nghị các cấp của ASEAN và là chủ đề quan trọng của các cuộc trao đổi, thảo luận giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác liên tục trong những tháng qua. Các nước đều nhận thức sâu sắc về yêu cầu phải phối hợp hành động, từ các giải pháp của mỗi quốc gia cho đến các giải pháp khu vực và quốc tế; từ phối hợp trong những lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường cho đến giải quyết các điểm nóng của khu vực và các xung đột, mâu thuẫn, cạnh tranh địa chính trị trên toàn cầu.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, những ý tưởng của các nhà nghiên cứu chia sẻ và trình bày tại đây sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của các nước ASEAN những luận cứ khoa học hữu ích, cả về lý thuyết và thực tiễn, để ứng phó với những thay đổi ở cấp khu vực, toàn cầu và trong mỗi quốc gia.

hnkt2-1669391520.jpg
Quang cảnh Hội nghị

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, Hội nghị FAEA-45 cần chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu của mỗi nước và những giá trị chung của khối ASEAN; phát huy vai trò tiên phong của các hội khoa học kinh tế trong tư vấn, góp ý và phản biện chính sách phát triển… Là những người đi tiên phong trong đổi mới tư duy kinh tế, các nhà kinh tế học cần tích cực đóng góp trí tuệ, khởi thảo ý tưởng, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển mới, có tính đột phá, sáng tạo, với phương châm: “Tư duy toàn cầu, tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương, trách nhiệm của từng cá nhân và cộng đồng”.

Đặc biệt, tại Hội nghị FAEA-45, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cần đóng vai trò thật tốt với tư cách là cơ quan chủ nhà, tích cực cùng với các hội khoa học kinh tế của các nước nỗ lực xây dựng, củng cố Liên đoàn các Hội Khoa học Kinh tế ASEAN, thúc đẩy sự phát triển và nâng tầm vị thế của ngành khoa học kinh tế trong khu vực, góp phần xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác, ngày càng gắn bó và không ngừng phát triển.

GS. Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết: Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam được thành lập gần 50 năm. Từ sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, Hội đã gia nhập Liên đoàn các Hội Khoa học Kinh tế ASEAN (FAEA). Từ thời điểm đó, Hội đã được giao chủ trì Hội nghị FAEA các năm 2002, 2008 và 2015. Năm 2022, các hội kinh tế thuộc FAEA đã đồng thuận chọn Việt Nam là nước chủ trì Hội nghị FAEA-45. Đây là vinh dự lớn cho Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và cũng là cơ hội để giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước và con người Việt Nam.

Hội nghị diễn ra từ ngày 25 – 26/11/2022 tại Hà Nội, bao gồm 7 phiên họp, với các nội dung chính: Khôi phục và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19; tình hình an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp; mục tiêu phát triển bền vững, phát triển con người dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; an ninh và chuyển đổi cơ cấu năng lượng, giao thông vận tải và hậu cần, du lịch; tài chính, tiền tệ, lạm phát, chứng khoán; tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; hợp tác kinh tế và hội nhập quốc tế của ASEAN trong bối cảnh toàn cầu mới.

Nguyễn Giáp - Hồng Hạnh

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/giai-phap-nao-cho-tang-truong-kinh-te-cac-nuoc-asean-sau-dich-covid-19-a23253.html