Nâng đỡ những cảnh đời kém may mắn
Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” nhiều năm qua được các cấp Hội CTĐ trong tỉnh hưởng ứng tích cực. Đây cũng là phương thức, giải pháp quan trọng nhằm gắn kết những tấm lòng nhân ái, mang sự chia sẻ, đồng cảm của cộng đồng đến với những số phận kém may mắn mà hội tập trung triển khai.
Đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện, chính quyền địa phương và nhà hảo tâm trao kinh phí hỗ trợ bệnh nhi hoàn cảnh khó khăn huyện Hiệp Hòa. |
Kết quả, từ đầu năm đến nay, qua các nguồn tài trợ, các cấp hội đã trao tặng kinh phí cho 1,2 nghìn địa chỉ nhân đạo, trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Sự giúp đỡ, sẻ chia đó có ý nghĩa động viên, tiếp thêm nghị lực để người nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vượt khó vươn lên.
Bé Phạm Ánh Ngọc (SN 2021) ở thôn Thượng Đồn, xã Liên Sơn (Tân Yên) chưa tròn một tuổi song đã vừa phải trải qua một cuộc đại phẫu. Khi Ánh Ngọc mới được hơn một tháng tuổi thì gia đình phát hiện bé bị bệnh tim bẩm sinh. Trước đó, để sinh được Ánh Ngọc, gia đình đã mất nhiều chi phí để thuốc thang chạy chữa nên khó khăn càng nhân lên gấp bội khi số tiền phẫu thuật cho bé có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Thông qua rà soát hằng tháng, cán bộ Hội CTĐ xã Liên Sơn đã nắm được hoàn cảnh của Ánh Ngọc và báo cáo với hội cấp trên. Vậy là để giúp em có cơ hội được phẫu thuật tim, Hội CTĐ tỉnh đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp hỗ trợ. Với lòng nhân ái, các mạnh thường quân đã chung tay ủng hộ số tiền hơn 240 triệu đồng. Cách đây hai tuần, ca phẫu thuật tim cho Ánh Ngọc được các bác sĩ thực hiện thành công, sức khỏe của em tiến triển tích cực.
Cùng với hỗ trợ đột xuất cho các trường hợp khó khăn, từ đầu năm đến nay, Hội CTĐ các cấp đã vận động, phối hợp với các tổ chức, cá nhân khởi công 25 ngôi nhà nhân đạo, trị giá hơn 2,2 tỷ đồng. Chị Lê Thị Phong (SN 1982) ở thôn Sơn Đình 1, xã Thanh Lâm (Lục Nam) là một trong những cá nhân được giúp đỡ xây dựng nhà ở. Sau khi ly hôn, chị đưa hai con nhỏ về sống cùng bố mẹ đẻ ở thôn Sơn Đình 1.
Ông bà tuổi cao, sức yếu, một người em của chị bị bại liệt, gia đình thuộc diện nghèo nên chị Phong dù gắng sức lao động cũng chỉ lo được bữa cơm đạm bạc cho cả nhà. Căn nhà 6 người ở chật hẹp, đã hư hỏng nặng nhưng chẳng ai dám nghĩ sẽ có điều kiện để sửa chữa. Trước hoàn cảnh khó khăn của chị Phong, Hội CTĐ các cấp đã đứng ra vận động giúp đỡ, tháng 5/2022, ngôi nhà CTĐ khang trang, rộng hơn 60 m2 đã hoàn thành sau hơn hai tháng thi công.
Tổng kinh phí xây dựng 150 triệu đồng, trong đó 80 triệu đồng do các nhà hảo tâm trao tặng, số tiền còn lại là được người thân hỗ trợ, vay vốn ưu đãi của ngân hàng, xóm giềng giúp ngày công. Vui mừng trong ngôi nhà mới, chị Phong chia sẻ: “Có nhà ở kiên cố, giờ đây cuộc sống của gia đình tôi đã bớt khó khăn. Tôi sẽ cố gắng làm việc để phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy các con và chăm sóc em, phấn đấu để gia đình thoát nghèo”.
Thường xuyên rà soát, hỗ trợ kịp thời
Bà Lê Thị Duyên, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: “Hội đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch vận động toàn dân xây dựng Quỹ Nhân đạo.
Từ đầu năm đến nay, đã có 111 đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ hơn 1,3 tỷ động. Ngoài ra, Hội phối hợp với Báo Dân trí vận động bạn đọc ủng hộ 12 gia đình hoàn cảnh éo le ở các huyện: Sơn Động, Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên và TP Bắc Giang với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng.
Qua đây, nhiều gia đình đặc biệt khó khăn đã được giúp đỡ với nhiều hình thức như: Trợ cấp hằng tháng; hỗ trợ kinh phí xây nhà; tặng bò sinh sản; trao quà, học bổng. Để duy trì hiệu quả các nguồn tài trợ, Hội luôn công khai, minh bạch với các mạnh thường quân và các trường hợp nhận trợ giúp”.
Đặc biệt, để hỗ trợ đúng đối tượng, nâng cao hiệu quả nguồn trợ giúp khi đến tay mỗi địa chỉ nhân đạo, việc rà soát, nắm bắt hoàn cảnh từng trường hợp được các cấp hội thực hiện thường xuyên, bảo đảm chính xác.
Sau khi trực tiếp thẩm định thông tin và phân loại, cán bộ hội sẽ căn cứ vào nhu cầu của người cần giúp đỡ để đề xuất phương án kêu gọi, hình thức trợ giúp thiết thực. Bên cạnh đó, Hội giao mỗi tập thể, cá nhân thực hiện tốt một hình thức hỗ trợ, lựa chọn địa bàn phù hợp để triển khai.
Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Hiệp Hòa nói: “Chúng tôi giao cán bộ cơ sở bám sát địa bàn, thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình đời sống hộ khó khăn, trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em mồ côi, gia đình có rủi ro, tai nạn đột xuất…
Trên cơ sở đó lập danh sách, lựa chọn trường hợp cần giúp đỡ ngay để tập trung tuyên truyền, vận động thông qua mạng xã hội, cổng thông tin điện tử địa phương hoặc các cơ quan báo chí. Khi đã vận động được nguồn lực, Hội phối hợp với địa phương mời nhà tài trợ trực tiếp tham gia trao hiện vật hoặc kinh phí hỗ trợ nhằm tạo niềm tin để duy trì lâu dài, bền vững các nguồn lực giúp đỡ địa chỉ nhân đạo”.
Phát huy kết quả đã đạt được và lan tỏa hơn nữa tinh thần “tương thân tương ái”, Hội CTĐ tỉnh chỉ đạo các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi các tầng lớp nhân dân ủng hộ hoạt động nhân đạo, nắm chắc đối tượng, đặc biệt là nắm rõ nhu cầu để vận động trợ giúp theo địa chỉ.
Tiếp tục vận động thành lập mới, duy trì các mô hình CTĐ hoạt động hiệu quả và làm tốt công tác nhân đạo, vận động các nguồn lực chăm lo Tết Nguyên đán 2023 cho người nghèo, cứu trợ đột xuất hoặc thường xuyên đối với trường hợp cần trợ giúp với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo báo Bắc Giang
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bac-giang-ket-noi-cac-nha-hao-tam-giup-do-nguoi-kho-khan-on-dinh-cuoc-song-a23144.html